Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp – Trở ngại và ưu đãi
Theo trang thông tin thống kê của Bộ công thương, Việt Nam hiện nay có gần 5 triệu hộ kinh doanh (“HKD”), gấp 10 lần số doanh nghiệp (“DN”) đang hoạt động. Cũng theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thì có 11% HKD thuộc diện phải chuyển đổi thành DN, tức là sử dụng lao động thường xuyên từ 10 người trở lên. Thế nhưng con số chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp chỉ khoảng 6,5%. Vậy đâu là lý do khiến hộ kinh doanh không có “mặn mà” với việc chuyển đổi thành công ty. Luật Phạm Đỗ sẽ phân tích các vấn đề pháp lý để tìm ra nguyên nhân trên.
Nội dung
- 1 Những ưu đãi khi chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp
- 2 Thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp khó hay dễ
- 3 Những trở ngại khi chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp
Những ưu đãi khi chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp
Theo Điều 16 Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì khi hộ kinh doanh chuyển đối thành doanh nghiệp sẽ được các ưu đãi sau:
- Được tư vấn, hướng dẫn miễn phí trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp;
- Được tư vấn, hướng dẫn miễn phí trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện (nếu có);
- Miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu;
- Miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện;
- Miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;
- Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;
- Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
- Miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai.
Ngoài ra, hộ kinh doanh chuyển đổi lên thành công ty thì còn được hưởng các đặc quyền của pháp nhân như:
- Có tài khoản ngân hàng, được vay vốn với lãi xuất ưu đãi hơn cá nhân;
- Có con dấu pháp nhân;
- Được hoạt động nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh trên toàn quốc. Có thể đặt chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài;
- Sửa dụng lao động với số lượng không giới hạn, kể cả sử dụng lao động người nước ngoài;
- Uy tín thương hiệu được nâng cao hơn so với hộ kinh doanh;
- Có thể huy động vốn dưới nhiều hình thức: Tăng vốn, kết nạp thêm thành viên, cổ đông, vay vốn ngân hàng và các tổ chức khác;
- Thuận lợi hơn trong các hoạt động mua bán hàng hóa với nước ngoài;
- Được khấu trừ thuế;
- Được xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho khách hàng có nhu cầu cần hóa đơn GTGT.
>> Xem thêm: nên thành lập công ty hay hộ kinh doanh
Thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp khó hay dễ
Thực tế, thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh là 2 bước kép gồm: thành lập công ty và đóng cửa hộ kinh doanh. Nhưng thay vì phải thực hiện 2 bước này với tổng thời gian khoảng 8 ngày làm việc thì doanh nghiệp chỉ cần 3 ngày làm việc để có doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
Hồ sơ đăng ký chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp
Theo Khoản 2 Điều 27 Nghị định 01/2021/nđ-CP quy định hồ sơ chuyển đổi bao gồm:
– Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký HKD.
– Bản sao giấy chứng nhận đăng ký thuế.
– Các giấy tờ khác khi hộ kinh doanh muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp tương ứng như sau:
+ Chuyển đổi thành doanh nghiệp tư nhân, hồ sơ gồm: Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp tư nhân và bản sao có chứng thực CMND/CCCD/hộ chiếu Việt Nam đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.
+ Chuyển đổi thành công ty hợp danh, hồ sơ gồm: (1) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp; (2) Điều lệ công ty; (3) Danh sách thành viên; (4) Bản sao có chứng thực CMND/CCCD/Hộ chiếu Việt Nam đối với thành viên công ty là cá nhân; Giấy chứng nhận thành lập đối với thành viên công ty là tổ chức kèm bản sao có chứng thực CMND/CCCD/Hộ chiếu đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền. (hồ sơ không bao gồm giấy chứng nhận đăng ký đầu tư).
+ Chuyển đổi thành công ty cổ phần, hồ sơ gồm: (1) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp; (2) Điều lệ công ty; (3) Danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài; (4) Bản sao có chứng thực CMND/CCCD/Hộ chiếu Việt Nam đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; (5) Bản sao có chứng thực CMND/CCCD/Hộ chiếu Việt Nam đối với cổ đông là cá nhân; Giấy chứng nhận thành lập đối với cổ đông là tổ chức kèm bản sao có chứng thực CMND/CCCD/Hộ chiếu đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền. (hồ sơ không bao gồm giấy chứng nhận đăng ký đầu tư).
+ Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, hồ sơ gồm: (1) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp; (2) Điều lệ công ty; (3) Bản sao có chứng thực CMND/CCCD/Hộ chiếu Việt Nam đối với chủ sở hữu là cá nhân; Giấy chứng nhận thành lập đối với chủ sở hữu là tổ chức kèm bản sao có chứng thực CMND/CCCD/Hộ chiếu đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; (4) Bản sao có chứng thực CMND/CCCD/Hộ chiếu đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (hồ sơ không bao gồm giấy chứng nhận đăng ký đầu tư).
+ Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, hồ sơ gồm: (1) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp; (2) Điều lệ công ty; (3) Danh sách thành viên; (4) Bản sao có chứng thực CMND/CCCD/Hộ chiếu đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; (5) Bản sao có chứng thực CMND/CCCD/Hộ chiếu Việt Nam đối với thành viên là cá nhân; Giấy chứng nhận thành lập đối với thành viên là tổ chức kèm bản sao có chứng thực CMND/CCCD/Hộ chiếu đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền;(hồ sơ không bao gồm GCN đăng ký đầu tư).
Trường hợp hộ kinh doanh có nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư thì hồ sơ phải có văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Nộp hồ sơ chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp ở đâu
Theo quy định của Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì hồ sơ chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp sẽ do sở kế hoạch và đầu tư xử lý. Có 2 cách nộp hồ sơ:
- Trực tiếp: Người nộp hồ sơ nộp 1 bộ hồ sơ trực tiếp đến bộ phận một cửa của sở kế hoạch và đầu tư.
- Nộp hồ sơ online: Người nộp hồ sơ nộp hồ sơ online thông qua cổng thông tin điện tử quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Quy trình thực hiện
Sau khi nộp hồ sơ, doanh nghiệp sẽ nhận được giấy biên nhận hẹn thời gian trả kết quả trong vòng 3 ngày làm việc. Sau thời hạn trên, trường hợp hồ sơ hợp lệ sẽ được trả kế quả là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu sau thời hạn trên, hồ sơ không hợp lệ thì doanh nghiệp sẽ nhận được thông báo chỉnh sửa, bổ sung.
Đối với hồ sơ nộp online: Sau khi được chấp thuận hồ sơ online, doanh nghiệp mang theo bản chính giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, biên nhận và thông báo chấp thuận hồ sơ nộp qua mạng đến sở kế hoạch và đầu tư để nhận kế quả.
Sau khi nhận được bản chính giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và giấy chứng nhận thuế của hộ kinh doanh thì sở kế hoạch và đầu tư sẽ gửi lại cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện. Như vậy, thủ tục chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh cũng sẽ hoàn tất.
Phí, lệ phí nhà nước: được miễn phí
Những lưu ý sau khi chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp
Làm con dấu doanh nghiệp:
Mặc dù Luật Doanh nghiệp 2020 không bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng con dấu, nhưng thói quen và văn hóa của doanh nghiệp Việt là vẫn sử dụng con dấu để ký hợp đồng, đi ngân hàng… nên sau khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp thì cũng nên chú ý đến việc khắc con dấu. Lưu ý: Phải xin giấy chứng nhận mẫu dấu của cơ sở khắc dấu phát hành.
Thanh toán các khoản nợ thuế của hộ kinh doanh trước khi thành lập doanh nghiệp
Sau khi chuyển từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp thì cơ quan quản lý thuế cũ sẽ liên hệ để yêu cầu thanh toán hết các khoản nợ thuế. Sau đó sẽ thu hồi lại giấy chứng nhận đăng ký thuế của hộ kinh doanh.
Đồng thời, hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp cũng phải tuân thủ đầy đủ các thủ tục của công ty như:
+ Treo bảng hiệu công ty;
+ Nộp thông báo phương pháp tính thuế và phương pháp khấu hao tài sản cho cơ quan thuế;
+ Mở tài khoản ngân hàng, đăng ký nộp thuế điện tử
>> Xem thêm: 7 lưu ý sau khi thành lập doanh nghiệp
Những trở ngại khi chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp
Việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp được hưởng ưu đãi nhiều như vậy nhưng đâu là lý do khiến 50% hộ kinh doanh đủ tiêu chuẩn lại không chịu chuyển đổi? Sau khi nghiên cứu và thực tế tiếp xúc với các hộ kinh doanh và doanh nghiệp, Luật Phạm Đỗ phát hiện ra 3 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến hộ kinh doanh không mặn mà với việc chuyển đổi.
– Không đủ năng lực quản lý doanh nghiệp
Thực tế hiện nay, nhiều hộ kinh doanh có doanh thu cao, có lúc sử dụng thường xuyên trên 10 lao động. Điển hình là các cơ sở dệt may; cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm; cơ sở làm đồ thủ công mỹ nghệ. Hầu hết nhân công đều là người trong gia đình, dòng họ. Mỗi ngày họ chỉ lặp đi lặp lại một công việc và cảm thấy cuộc sống, doanh thu như vậy là đủ. Họ không muốn, không có nhu cầu và điều kiện để mở rộng hay phát triển thêm.
Thực tế khác, theo quy định pháp luật về thuế, tài chính, hộ kinh doanh chỉ có bốn loại sổ sách, trong khi DN lại có đến hơn 30 loại. Riêng việc phải tuân thủ những quy định này đã khiến nhiều người thích hoạt động dưới mô hình HKD hơn. Chưa kể đến, khi trở thành DN thì phải gánh chi phí lớn quá và còn liên quan đến nhiều thủ tục rườm rà, nhân sự, bộ máy… cồng kềnh, giải quyết không nhanh gọn.
– Trốn thuế
Không thể phủ nhận rằng rất nhiều người chọn núp bóng hộ kinh doanh để trốn thuế. Hộ kinh doanh không bắt buộc phải xuất hóa đơn khi bán hàng, do đó không thể kiểm soát hết doanh thu của hộ kinh doanh. Trong khi mức thuế khoán áp cho hộ kinh doanh rất thấp chỉ khoảng 5-10%/năm. Không nhưng thế, nhiều hộ kinh doanh còn thỏa thuận được mức thuế khoán với cán bộ thuế nên dẫn đến thất thu thuế.
Nhưng liệu đây có phải là giải pháp trốn thuế? Chúng tôi đặt giả sử rằng hộ kinh doanh kê khai được mức thuế thấp. Nhưng thực tế mà tính thì bạn đã chi hết bao nhiêu cho tiền mua hàng? chi phí cho nhân viên? chi phí cho cán bộ thuế? Thuế khoán đóng hằng tháng? Và nhiều chi phí không hóa đơn khác… Bạn đã thực sự tính xem mình lời hay chỉ hòa tiền công chưa?
>> Xem thêm: Cách tính thuế khoán hộ kinh doanh
Rồi các rủi ro như dịch bệnh, thiên tai, thay đổi của chính sách pháp luật, bạn bị giảm sút doanh thu nhưng vẫn phải đóng thuế khoán đã áp đều đều hằng tháng. Vậy số tiền thua lỗ với 20% thuế TNDN cái nào đáng suy nghĩ hơn và bạn có trốn thuế thành công?
Hiện nay, Luật quản lý thuế đã có quy định các hộ kinh doanh có doanh thu lớn phải kê khai thuế, xuất hóa đơn điện tử như doanh nghiệp. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn chứng từ, theo đó đã quy định Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ tiếp tục có hiệu lực đến ngày 30/6/2022, từ 01/7/2022 thực hiện theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Căn cứ các quy định nêu trên thì hộ, cá nhân kinh doanh áp dụng hình thức hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế thay cho hóa đơn giấy. Để triển khai hóa đơn điện tử, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn để triển khai thí điểm tại một số địa bàn có điều kiện thuận lợi, trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm sẽ triển khai trên toàn quốc.
Đồng thời, Quốc hội đã ban hành Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực từ 01/7/2020, theo đó cá nhân nộp thuế theo phương pháp kê khai ổn định (Hộ khai thuế ổn định) được xác định:
– Cá nhân kinh doanh quy mô lớn theo quy định tại khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế “5. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai”.
– Cá nhân kinh doanh không thuộc diện quy mô lớn nhưng thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định và có yêu cầu áp dụng phương pháp khai thuế ổn định.
– Cá nhân kinh doanh là đối tượng không cư trú nhưng có địa điểm kinh doanh cố định trên lãnh thổ Việt Nam và đáp ứng các điều kiện nêu trên thực hiện khai thuế như đối với cá nhân kinh doanh là đối tượng cư trú.
Để triển khai việc chuyển đổi hộ khoán sang nộp thuế theo kê khai, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn cụ thể về lộ trình triển khai. Mặc dù chưa có Nghị định, thông tư hướng dẫn rõ ràng nhưng đây là động thái thay đổi chính sách pháp luật nhằm tránh việc trốn thuế của hộ kinh doanh. Thêm vào đó, Luật cũng đã cho phép tra soát các tài khoản ngân hàng của cá nhân để tiến hành truy thu thuế đối với những cá nhân không đăng ký kinh doanh hoặc có đăng ký kinh doanh nhưng không kê khai thuế thu nhập cá nhân. Với hàng loạt các thay đổi của luật quản lý thuế thì liệu bạn có trốn thuế dưới cái bóng là hộ kinh doanh được nữa không hay sẽ gánh chịu rủi ro sau này.
– Chế tài không đủ mạnh
Hiện nay, quy định của pháp luật mới chỉ dừng lại ở việc khuyến khích chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nhưng chưa có quy định cụ thể bắt buộc hộ kinh doanh nào phải chuyển đổi. Chỉ quy định chung chung là hộ kinh doanh thành lập trên 1 năm, có sử dụng thường xuyên trên 10 lao động thì phải chuyển đổi thành doanh nghiệp. Vậy làm sao để biết hộ kinh doanh đó sử dụng thường xuyên trên 10 lao động khi họ không khai báo lao động? Do đó, các hộ kinh doanh hoàn toàn có thể trốn việc chuyển đổi thành công ty.
Mặc dù việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi, khuyến khích hơn thành lập mới doanh nghiệp. Nhưng với tư duy ngại lớn, muốn trốn thuế và chế tài nhà nước không đủ mạnh để tác động nên nhiều hộ kinh doanh vẫn chưa chuyển đổi thành doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong tương lai, Luật Phạm Đỗ cho rằng các chính sách pháp luật sẽ thay đổi, sẽ có chế tài xử phạt và cơ chế ép thuế, truy thu thuế đối với hộ kinh doanh, buộc các hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành doanh nghiệp. Nếu đã là vấn đề một sớm một chiều thì thiết nghĩ hộ kinh doanh đủ điều kiện nên sớm chuyển đổi thành doanh nghiệp.