Pham Do LawPham Do LawPham Do Law
0

Thủ tục đăng ký hoạt động cơ sở in

Cơ sở in không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép hoạt động in thì phải thực hiện đăng ký hoạt động cơ sở in thì mới được phép hoạt động. Vậy thủ tục đăng ký như thế nào? có những lưu ý gì sau khi đăng ký? Luật Phạm Đỗ sẽ giúp giải đáp thắc mắc của khách hàng.

Nội dung

Cơ sở pháp lý

Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 quy định về hoạt động in;

Nghị định 25/2018/NĐ-CP ngày 28/02/2018 về sửa đổi Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in;

Nghị định 96/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;

Thông tư 03/2015/TT-BTTTT ngày 06/03/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in;

Đối tượng phải đăng ký hoạt động cơ sở in

Theo quy định tại Điểm a Khoản 7 Điều 1 Nghị định 25/2018/NĐ-CP thì đối tượng phải đăng ký hoạt động cơ sở in là cơ sở in thực hiện chế bản, in, gia công sau in sản phẩm in không thuộc quy định tại các điểm a, c, và đ khoản 4 Điều 2 Nghị định 60/2014/NĐ-CP. Cụ thể là các sản phẩm sau:

  • Mẫu, biểu mẫu giấy tờ do cơ quan nhà nước ban hành;
  • Hóa đơn tài chính, các loại thẻ, giấy tờ có sẵn mệnh giá hoặc dùng để ghi mệnh giá (không bao gồm tiền);
  • Bao bì, nhãn hàng hóa;
  • Tài liệu, giấy tờ của tổ chức, cá nhân;
  • Các sản phẩm in khác.

Trường hợp, cơ sở in có thực hiện chế bản, in, gia công sau in báo, tạp chí và các ấn phẩm báo chí khác theo quy định của pháp luật về báo chí; Tem chống giả; xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật về xuất bản thì phải xin giấy phép hoạt động in.

>> Xem thêm: Thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động in

Cơ sở in được thực hiện những hoạt động gì?

  • Chế bản là tạo ra bản phim, bản can, khuôn in để in hoặc bản mẫu để photocopy.
  • In là sử dụng công nghệ, thiết bị để tạo ra sản phẩm in.
  • Gia công sau in là sử dụng công nghệ, thiết bị, công cụ, chuyên môn kỹ thuật để thực hiện các công việc gia công tờ in thành sản phẩm in hoàn chỉnh

Điều kiện đăng ký hoạt động in

1. Có thiết bị phù hợp để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn chế bản, in, gia công sau in theo nhu cầu, khả năng hoạt động của cơ sở in và đúng với nội dung tờ khai đăng ký hoạt động cơ sở in (Điểm a Khoản 4 Điều 1 Nghị định 25/2018/NĐ-CP), cụ thể theo Điều 6 Thông tư 03/2015/TT-BTTTT thì:

– Đối với công đoạn chế bản: Cơ sở in phải có ít nhất một trong các thiết bị: Máy ghi phim, máy ghi kẽm, máy tạo khuôn in;

– Đối với công đoạn in: Cơ sở in phải có máy in;

– Đối với công đoạn gia công sau in: Cơ sở in phải có máy dao xén (cắt) giấy và có ít nhất một trong các thiết bị: Máy đóng sách (đóng thép hoặc khâu chỉ), máy vào bìa, máy kỵ mã liên hợp, dây chuyền liên hợp hoàn thiện sản phẩm in hoặc thiết bị phù hợp với sản phẩm gia công.

2. Có mặt bằng hợp pháp để thực hiện chế bản, in, gia công sau in.

3. Có chủ sở hữu là tổ chức, cá nhân Việt Nam và có người đứng đầu là công dân Việt Nam, thường trú hợp pháp tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Như vậy, quy định mới tại Nghị định 25/2018/NĐ-CP đã bãi bỏ một số các điều kiện sau:

– Về mặt bằng: Không còn yêu cầu phải có mặt bằng để thực hiện chế bản, in, gia công sau in ngoài khu dân cư, trừ cơ sở in chỉ sử dụng công nghệ, thiết bị in la-de (laser), in phun khổ từ A0 trở xuống và cơ sở in là hộ gia đình hoạt động in lưới (lụa) thủ công;

– Không cần phải có đủ điều kiện về an ninh – trật tự, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

– Không yêu cầu người đứng đầu có trình độ cao đẳng trở lên về chuyên ngành in hoặc được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in.

Hồ sơ đăng ký hoạt động cơ sở in

Theo quy định tại điểm a, khoản 7, Điều 1 Nghị định 25/2018/NĐ-CP thì cơ sở xin thuộc đối tượng trên chỉ cần gửi tờ khai đăng ký hoạt động cơ sở in theo mẫu số 11 ban hành kèm theo Nghị định 25/2018/NĐ-CP (02 bản);

Đăng ký hoạt động cơ sở in ở đâu?

– Cơ sở in thuộc cơ quan, tổ chức ở Trung ương nộp hồ sơ tại Bộ Thông tin và Truyền thông;

– Cơ sở in thuộc địa phương nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, mà cụ thể là sở Thông tin và Truyền thông.

Khi nào phải đăng ký hoạt động cơ sở in

Theo quy định tại Điểm a Khoản 7 Điều 1 Nghị định 25/2018/NĐ-CP thì trước khi hoạt động 15 ngày, cơ sở in phải đăng ký hoạt động cơ sở in.

Ngắn hơn so với quy định cũ tại Nghị định 60/2014/NĐ-CP là trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cơ quan công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh – trật tự

Trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động cơ sở in

– Cách thức đăng ký: gửi hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc dịch vụ bưu chính, chuyển phát hoặc nộp hồ sơ trực tiếp.

– Số lượng hồ sơ: Tờ khai đăng ký hoạt động cơ sở in.

– Thời gian xử lý: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ khai đăng ký của cơ sở in, cơ quan quản lý về hoạt động in sẽ xác nhận đăng ký và cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động in; trường hợp không xác nhận đăng ký sẽ có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

– Phí/lệ phí nhà nước: Thủ tục không tốn phí/lệ phí nhà nước.

Quy định cần tuân thủ sau khi đăng ký hoạt động cơ sở in

Trách nhiệm của cơ sở in (Điều 15 Nghị định 60/2014/NĐ-CP)

1. Đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 11 Nghị định 60/2014/NĐ-CP trong quá trình hoạt động.

2. Thực hiện đúng nội dung ghi trong Tờ khai đăng ký hoạt động cơ sở in.

3. Chế bản, in, gia công sau in đúng với bản mẫu của sản phẩm in và đúng với số lượng in ghi trong hợp đồng in.

4. Cập nhật đầy đủ thông tin về việc nhận chế bản, in, gia công sau in vào “Sổ quản lý ấn phẩm nhận chế bản, in, gia công sau in” theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.

5. Lưu giữ đầy đủ hồ sơ liên quan đến sản phẩm nhận chế bản, in, gia công sau in trong 24 tháng, kể từ ngày ký hợp đồng in. Hồ sơ phải lưu giữ gồm có:

a) Bản chính hợp đồng chế bản, in, gia công sau in hoặc phiếu đặt in quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 60/2014/NĐ-CP;

b) Bản thảo (bản mẫu) của sản phẩm đặt in đã được đóng dấu hoặc có chữ ký của tổ chức, cá nhân có sản phẩm đặt in được lưu giữ theo một trong các dạng: Bản thảo trên giấy thông thường; bản thảo in trên giấy can; bản thảo in trên phim; bản thảo điện tử là tệp tin được chứa trong đĩa CD, đĩa CD- ROM, USB, ổ cứng hoặc các thiết bị lưu trữ dữ liệu khác;

c) Giấy tờ liên quan đến sản phẩm đặt in quy định tại các Điều 17, 19, 20 và 22 Nghị định 60/2014/NĐ-CP;

d) Sổ ghi chép, quản lý ấn phẩm nhận chế bản, in, gia công sau in được ghi đầy đủ thông tin.

6. Xuất trình hồ sơ, giấy tờ liên quan đến hoạt động của cơ sở in, sản phẩm in và giải trình đầy đủ, trung thực theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền thi hành nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật.

7. Chấp hành việc báo cáo định kỳ, đột xuất về hoạt động của cơ sở in, sản phẩm nhận chế bản, in, gia công sau in theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in.

8. Tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ quản lý hoạt động in do cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in tổ chức.

9. Báo cáo kịp thời với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in khi phát hiện sản phẩm nhận chế bản, in, gia công sau in có nội dung vi phạm Khoản 1 Điều 9 Nghị định 60/2014/NĐ-CP.

10. Tuân thủ quy định tại Nghị định 60/2014/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật có liên quan; người đứng đầu cơ sở in phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của cơ sở in và sản phẩm in.

Những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9 Nghị định 60/2014/NĐ-CP)

1. Chế bản, in, gia công sau in hoặc photocopy sản phẩm in, giấy tờ khác có nội dung sau đây:

a) Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc;

b) Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa li khai, gây hận thù, chia rẽ giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục;

c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định;

d) Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

2. Cơ sở in, cơ sở dịch vụ photocopy hoạt động nhưng không có giấy phép hoạt động in, không đăng ký hoạt động, không khai báo hoạt động theo quy định của Nghị định này.

3. Lợi dụng hoạt động chế bản, in, gia công sau in, photocopy để tạo ra, phát tán trái phép sản phẩm in có nội dung vi phạm Khoản 1 Điều này; làm giả giấy tờ của cơ quan nhà nước; trực tiếp hoặc gián tiếp sản xuất hàng giả.

4. Chế bản, in, gia công sau in, photocopy vi phạm các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ hoặc xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

5. Sử dụng thiết bị in phục vụ nội bộ để tạo ra sản phẩm in nhằm mục đích kinh doanh.

6. Sản xuất, nhập khẩu thiết bị in trái quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Các hành vi khác có liên quan bị cấm theo quy định của pháp luật.

Điều kiện chung để nhận chế bản, in, gia công sau in (Điều 16 Nghị định 60/2014/NĐ-CP)

1. Có hợp đồng in bằng văn bản hoặc phiếu đặt in (theo Mẫu số 10 ban hành kèm theo Nghị định 25/2018/NĐ-CP) quy định giữa cơ sở in với cơ quan, tổ chức, cá nhân đặt chế bản, in, gia công sau in (bao gồm việc tăng số lượng đối với từng sản phẩm in), cụ thể như sau:

a) Đối với sản phẩm in quy định tại các Điều 17, 19 và 20 Nghị định 60/2014/NĐ-CP phải có hợp đồng in.

b) Đối với sản phẩm in quy định tại Điều 22 Nghị định 60/2014/NĐ-CP phải có phiếu đặt in Mẫu số 10 ban hành kèm theo Nghị định 25/2018/NĐ-CP.

2. Ngoài các điều kiện theo quy định trên, cơ sở in chỉ được nhận chế bản, in, gia công sau in khi cơ quan, tổ chức, cá nhân đặt in cung cấp đủ các giấy tờ sau đây:

a) Bản mẫu của sản phẩm đặt in đã được đóng dấu hoặc có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của tổ chức hoặc chữ ký của cá nhân có sản phẩm đặt in;

b) Giấy tờ liên quan đến sản phẩm nhận in theo quy định các Điều 17, 19, 20 Nghị định 60/2014/NĐ-CP và các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan;

Điều kiện nhận chế bản, in, gia công sau in đối với hóa đơn tài chính, các loại thẻ, giấy tờ có sẵn mệnh giá hoặc dùng để ghi mệnh giá (Điều 19 Nghị định 60/2014/NĐ-CP)

  1. Cơ sở in chỉ được nhận chế bản, in, gia công sau in hóa đơn tài chính, các loại thẻ, giấy tờ có sẵn mệnh giá hoặc dùng để ghi mệnh giá khi tổ chức, cá nhân đặt in cung cấp các loại giấy tờ theo quy định của pháp luật chuyên ngành về các yêu cầu thủ tục khi in sản phẩm đó.
  2. Tổ chức, cá nhân có sản phẩm đặt in phải chịu trách nhiệm về sản phẩm đặt in với cơ sở in.

Báo cáo định kỳ (Khoản 3, Điều 1 Nghị định 25/2018/NĐ-CP)

Cơ sở in hoạt động theo loại hình doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm báo cáo định kỳ 01 năm/lần hoặc đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in.

– Cơ sở in gửi báo cáo theo mẫu số 16 ban hành kèm theo Nghị định 25/2018/NĐ-CP.

– Thời hạn gửi báo cáo: chậm nhất vào ngày 10 tháng 01 của năm.

– Hình thức và cách thức gửi báo cáo: Báo cáo được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy có đóng dấu, chữ ký của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức hoặc chữ ký của cá nhân thực hiện chế độ báo cáo; báo cáo gửi qua đường bưu chính, fax, nộp trực tiếp, qua thư điện tử (e-mail); trường hợp gửi qua thư điện tử (e-mail), văn bản báo cáo phải là các tệp tin có định dạng Word hoặc Excel và kèm định dạng Pdf được quét (scan) từ văn bản giấy để so sánh, đối chiếu, bảo đảm tính chính xác của thông tin báo cáo. Trường hợp có hệ thống báo cáo điện tử trực tuyến thì phải thực hiện báo cáo theo hệ thống điện tử trực tuyến.

Phạt vi phạm hành chính liên quan (Điều 24 của Nghị định số 159/2013/NĐ-CP và Điều 43 Nghị định 119/2020/NĐ-CP)

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không lập hoặc không ghi đầy đủ thông tin trong sổ ghi chép, quản lý ấn phẩm nhận chế bản, in và gia công sau in theo quy định;

b) Không lưu giữ, quản lý hồ sơ nhận in xuất bản phẩm, sản phẩm in không phải xuất bản phẩm theo quy định;

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

b) Sử dụng máy photocopy và các thiết bị in khác để nhân bản trái phép báo chí, xuất bản phẩm nhằm mục đích kinh doanh hoặc lưu hành rộng rãi;

đ) In sản phẩm không phải là xuất bản phẩm nhưng cơ sở in không đủ điều kiện hoạt động theo quy định.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

b) In không đúng với bản mẫu, bản thảo đặt in đối với sản phẩm không phải là xuất bản phẩm;

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) In xuất bản phẩm, báo chí, tem chống giả nhưng cơ sở in không đủ điều kiện hoạt động theo quy định;

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

b) In ấn phẩm báo chí chưa được cấp phép;

c) In chứng minh thư, hộ chiếu, văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân và giấy tờ quản lý nhà nước khác nhưng không có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cơ quan, tổ chức cấp chứng chỉ hoặc không có bản mẫu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận;

d) In nhãn hàng hóa, bao bì nhưng không có bản mẫu được cơ sở sản xuất đứng tên đặt in xác nhận;

4. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) In, nhân bản báo chí, xuất bản phẩm có quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy hoặc có nội dung bị cấm trong hoạt động xuất bản và không được thông tin trên báo chí;

b) In xuất bản phẩm, báo chí, tem chống giả không có giấy phép hoạt động in do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;

c) In các sản phẩm không phải xuất bản phẩm pháp luật cấm lưu hành, trừ trường hợp được phép in gia công cho nước ngoài để xuất khẩu;

d) In, nhân bản trái phép tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm c và Điểm đ Khoản 2, Điểm a và Điểm b Khoản 3, các khoản 4, 5, 6, 7 và 8 Điều này.

b) Tước quyền sử dụng giấy phép từ 01 đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 7 Điều này;

c) Đình chỉ hoạt động từ 09 đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 8 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi hoặc tiêu hủy sản phẩm in đối với hành vi quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 2, Điểm a và Điểm b Khoản 3, Điểm b Khoản 4, Điểm a Khoản 5, các khoản 6, 7 và 8 Điều này;

b) Buộc thu hồi giấy phép đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều này.

Các câu hỏi thường gặp khi đăng ký hoạt động cơ sở in

Khi kinh doanh dịch vụ in có phải xin giấy đủ điều kiện an ninh trật tự không?

Kinh doanh dịch vụ in (trừ in bao bì) là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư 2020. Cũng theo quy định tại khoản 18 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP thì: Kinh doanh dịch vụ in, gồm: Chế bản in, in, gia công sau in (trừ cơ sở in lưới, photocopy) là đối tượng ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự.

Cụ thể, chế bản in, in, gia công sau in (trừ cơ sở in lưới, photocopy) những sản phẩm sau:

– Xuất bản phẩm (trừ sách chữ nổi, bản ghi âm, ghi hình có nội dung thay sách, minh họa thay sách);

– Báo, tạp chí và các ấn phẩm báo chí khác theo quy định của pháp luật về báo chí;

– Mẫu, biểu mẫu, giấy tờ có tính pháp lý do cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ban hành;

– Tem chống giả;

– Bao bì, tem, nhãn sản phẩm hàng hóa là dược phẩm, hóa dược, thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng (trừ cơ sở sản xuất dược phẩm, hóa dược, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng tự in bao bì, tem, nhãn cho sản phẩm của mình);

– Hóa đơn tài chính; giấy tờ có sẵn mệnh giá hoặc dùng để ghi mệnh giá.

>> Xem thêm: Thủ tục xin giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự

Khi kinh doanh dịch vụ in cần phải đáp ứng điều kiện gì về phòng cháy chữa cháy?

Cơ sở kinh doanh dịch vụ in là đối tượng thuộc danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định số: 136/2020/NĐ-CP (cụ thể: Nhà làm việc của các doanh nghiệp; Nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình). Do đó, cơ sở kinh doanh dịch vụ in phải đáp ứng các điều kiện về phòng cháy chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, gồm:

– Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

– Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

– Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

– Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

– Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy. Người làm nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.

Nếu cơ sở in đã có giấy phép hoạt động in muốn có phải đăng ký hoạt động cơ sở in không?

Nếu cơ sở in hiện chế bản, in, gia công sau in các sản phẩm báo, tạp chí và các ấn phẩm báo chí khác theo quy định của pháp luật về báo chí; Tem chống giả thì không cần xin giấy phép hoạt động in; xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật về xuất bản và các sản phẩm khác thì chỉ cần xin giấy phép hoạt động in không cần thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động cơ sở in.

Dịch vụ đăng ký hoạt động cơ sở in của Luật Phạm Đỗ

Phạm vi công việc:

  • Tư vấn tất cả các vấn đề pháp lý liên quan đến đăng ký hoạt động cơ sở in.
  • Thu thập thông tin, tài liệu và soạn thảo hồ sơ.
  • Trình ký và nhận tài liệu tận nhà, nơi làm việc của khách hàng.
  • Nộp hồ sơ, giải trình yêu cầu của cơ quan cấp phép và nhận kết quả.
  • Bàn giao tận nơi cho khách hàng.
  • Hướng dẫn lưu trữ hồ sơ, tài liệu, lập sổ sách, báo cáo liên quan đến hoạt động in sau khi được cấp phép

Thời gian thực hiện:

  • Chỉ sau 2h kể từ khi nhận được đầy đủ thông tin, tài liệu, khách hàng sẽ nhận được hồ sơ trình ký.
  • Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, khách hàng thấy nội dung đăng ký hoạt động in được công bố trên mạng.

Khách hàng cần cung cấp:

  • Thông tin về máy móc thiết bị in, gia công, chế bản;
  • Thông tin về giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh;
  • Thông tin lý lịch về người đứng đầu.

Liên hệ ngay với chúng tôi, để việc đăng ký hoạt động cơ sở in được dễ dàng, nhanh chóng và đúng luật.

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35
  • 36
  • 37
  • 38
  • 39
  • 40
  • 41

Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

0972599340