Các bước đăng ký quảng cáo mỹ phẩm – Đầy đủ và chi tiết
Nhu cầu sử dụng mỹ phẩm hiện nay ngày một tăng cao. Chúng ta thường xuyên bắt gặp những nội dung quảng cáo mỹ phẩm tràn lan trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, để một nội dung quảng cáo mỹ phẩm được phát hành trên thị trường thì cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật; đồng thời đơn vị phát hành quảng cáo phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Vậy thủ tục đăng ký quảng cáo mỹ phẩm như thế nào? Pham Do Law xin chia sẻ với quý khách hàng những thông tin mới nhất về Các bước đăng ký quảng cáo mỹ phẩm và những vấn đề cần lưu ý.
Nội dung
- 1 Cơ sở pháp lý
- 2 Đăng ký quảng cáo mỹ phẩm là gì?
- 3 Tại sao phải đăng ký quảng cáo mỹ phẩm?
- 4 Quy định về đăng ký quảng cáo mỹ phẩm cập nhật 2023
- 5 Điều kiện doanh nghiệp cần đáp ứng để được cấp giấy phép quảng cáo mỹ phẩm
- 6 Thủ tục đăng ký quảng cáo mỹ phẩm
- 7 Lựa chọn hình thức và phương tiện quảng cáo
- 8 Quảng cáo mỹ phẩm ở địa phương khác
- 9 Giấy phép quảng cáo mỹ phẩm có hiệu lực trong bao lâu?
- 10 Doanh nghiệp được cấp lại Giấy xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm trong những trường hợp nào?
- 11 Những vấn đề thường gặp khi đăng ký quảng cáo mỹ phẩm
- 11.1 Có được gộp nhiều sản phẩm vào một hồ sơ đăng ký quảng cáo được không?
- 11.2 Có phải sau khi đăng ký quảng cáo mỹ phẩm thì được quảng cáo sản phẩm dưới bất kỳ phương tiện nào không?
- 11.3 Đối với sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu từ nước ngoài thì phải xin giấy phép quảng cáo tại cơ quan nào?
- 11.4 Địa chỉ của công ty xin xác nhận quảng cáo có thay đổi so với địa chỉ của Phiếu công bố mỹ phẩm nhập khẩu thì có ảnh hưởng như thế nào?
- 12 Dịch vụ xin xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm tại Pham Do Law
- 13
Cơ sở pháp lý
- Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13
- Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo
- Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo
- Thông tư số 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế: Quy định về quản lý mỹ phẩm
Đăng ký quảng cáo mỹ phẩm là gì?
Khoản 21 Điều 2 Thông tư 06/2011/TT-BYT đã định nghĩa “Quảng cáo mỹ phẩm là các hoạt động giới thiệu, quảng bá mỹ phẩm nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất, bán, sử dụng mỹ phẩm.”
Theo đó, đăng ký quảng cáo mỹ phẩm là việc tổ chức, cá nhân khai báo với cơ quan có thẩm quyền về nội dung mà mình sử dụng để quảng cáo cho sản phẩm mỹ phẩm. Đây là thủ tục bắt buộc để một sản phẩm quảng cáo mỹ phẩm được phát hành trên thị trường. Kết quả của thủ tục này là Phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo mỹ phẩm.
Tại sao phải đăng ký quảng cáo mỹ phẩm?
Mỹ phẩm là loại sản phẩm có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng. Vì thế, nhà nước đã ban hành nhiều quy định chặt chẽ trong việc quảng cáo mỹ phẩm. Theo đó, đơn vị có nhu cầu quảng cáo mỹ phẩm phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Nếu không thực hiện đăng ký đúng quy định thì sẽ bị xử phạt theo Điều 49 Nghị định 38/2021/NĐ-CP:
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng;
- Biện pháp khắc phục: Bắt buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo; hoặc thu hồi xuất bản phẩm, tạp chí có in quảng cáo.
Quy định về đăng ký quảng cáo mỹ phẩm cập nhật 2023
Đơn vị nào được thực hiện đăng ký quảng cáo mỹ phẩm
Khoản 4 Điều 6 Thông tư số 09/2015/TT-BYT đã quy định về đơn vị được đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo. Cụ thể, đơn vị được thực hiện thủ tục này bao gồm:
- Đơn vị đứng tên trên phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm;
- Văn phòng đại diện tại Việt Nam của đơn vị đứng tên trên phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm;
- Đơn vị có tư cách pháp nhân được đơn vị đứng tên trên phiếu công bố sản phẩm ủy quyền bằng văn bản.
Công ty nước ngoài có được đăng ký quảng cáo mỹ phẩm hay không?
Hiện nay, không có bất cứ quy định pháp luật nào đặt ra hạn chế đối với việc quảng cáo mỹ phẩm đối với công ty nước ngoài. Và căn cứ theo Thông tư 09/2015/TT-BYT; các quy định về việc xác nhận nội dung quảng cáo được áp dụng đối với sản phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, các công ty nước ngoài hoàn toàn có thể đăng ký quảng cáo tại Việt Nam đối với sản phẩm mỹ phẩm kinh doanh trên thị trường Việt Nam.
Điều kiện doanh nghiệp cần đáp ứng để được cấp giấy phép quảng cáo mỹ phẩm
Điều kiện chung để xác nhận nội dung quảng cáo
Điều 4 Thông tư 09/2015/TT-BYT quy định những điều kiện chung về nội dung của quảng cáo như sau:
- Nội dung của quảng cáo phải đảm bảo đúng quy định pháp luật; không chứa các hành vi bị cấm (quy định tại Điều 8 Luật Quảng cáo);
- Tiếng nói Tiếng nói, chữ viết, hình ảnh trong quảng cáo phải ngắn gọn, thông dụng và đúng quy định. Cỡ chữ trong quảng cáo không được nhỏ hơn nhỏ hơn tỷ lệ tương đương cỡ chữ Times New Roman hoặc Vntime 12 trên khổ giấy A4.
Điều kiện để xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm
Theo Điều 6 Thông tư 09/2015/TT-BYT; nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải đáp ứng các điều kiện:
1/ Mỹ phẩm phải đủ điều kiện quảng cáo theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 20 Luật Quảng cáo;
2/ Nội dung quảng cáo phải theo đúng quy định tại Điều 4 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP:
- Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; và các tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả của mỹ phẩm;
- Quảng cáo mỹ phẩm phải có các nội dung: tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng của mỹ phẩm; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; các cảnh báo;
- Không được quảng cáo mỹ phẩm khiến người xem hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc;
- Quảng cáo mỹ phẩm trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung theo quy định pháp luật
3/ Ngoài ra, nội dung quảng cáo còn phải đảm bảo các điều kiện:
- Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín; bài viết của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế khác;
- Tính năng, công dụng của sản phẩm phải phù hợp với bản chất của sản phẩm, phân loại sản phẩm và tính năng, công dụng đã được công bố theo quy định của pháp luật.
4/ Có đủ hồ sơ theo quy định tại Thông tư 09/2015/TT-BYT;
5/ Đảm bảo quy định về đơn vị được quyền đăng ký quảng cáo mỹ phẩm nói ở mục trên
Thủ tục đăng ký quảng cáo mỹ phẩm
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết là Sở Y tế nơi tổ chức, cá nhân công bố sản phẩm mỹ phẩm đặt trụ sở chính.
Các bước thực hiện
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký quảng cáo chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đầy đủ, hợp lệ theo quy định pháp luật
Bước 2: Nộp hồ sơ
- Tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký quảng cáo nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền; đồng thời đóng đủ các khoản phí theo quy định;
- Cơ quan có thẩm quyền gửi Phiếu tiếp nhận hồ sơ;
- Có 03 cách thức nộp hồ sơ:
- Trực tiếp
- Trực tuyến
- Thông qua dịch vụ bưu chính
Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ
Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ
Sau 10 ngày làm việc (tính từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ); nếu cơ quan có thẩm quyền không có văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì đơn vị được quảng cáo mỹ phẩm theo đúng nội dung đã đăng ký.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ
- Cơ quan có thẩm quyền gửi văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ;
- Sau 10 ngày làm việc (tính từ ngày nhận được nội dung quảng cáo đã sửa đổi, bổ sung); nếu cơ quan có thẩm quyền không có văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì đơn vị được quảng cáo mỹ phẩm như nội dung đã sửa đổi;
- Nếu hồ sơ sửa đổi, bổ sung không đáp ứng yêu cầu; đơn vị đăng ký sẽ không được quảng cáo mỹ phẩm. Trong trường hợp này, đơn vị phải nộp hồ sơ lại từ đầu và phải đóng lệ phí theo quy định.
Lưu ý: Trong thời gian 02 tháng (tính từ ngày có văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ); nếu cơ quan có thẩm quyền không nhận được hồ sơ bổ sung thì hồ sơ đăng ký quảng cáo mỹ phẩm của đơn vị không còn giá trị. Trong trường hợp này; đơn vị phải nộp hồ sơ lại từ đầu và phải đóng lệ phí theo quy định.
Hồ sơ cần chuẩn bị
- Phiếu đăng ký quảng cáo mỹ phẩm; (mẫu quy định tại Phụ lục 10 Thông tư 09/2015/TT-BYT);
- Bản sao Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân đăng ký quảng cáo;
- Thư uỷ quyền của tổ chức, cá nhân công bố mỹ phẩm cho tổ chức, cá nhân đăng ký quảng cáo (trường hợp tổ chức, cá nhân đăng ký quảng cáo không phải là tổ chức, cá nhân công bố sản phẩm mỹ phẩm);
- Tài liệu thuyết minh cho các tính năng, công dụng của sản phẩm; (trường hợp có quảng cáo tính năng, công dụng của sản phẩm chưa được nêu trong Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm);
- 02 kịch bản quảng cáo (mô tả rõ phần hình ảnh, phần lời, phần nhạc); hoặc 02 mẫu quảng cáo dự định sẽ phát hành. Hồ sơ phải có dấu giáp lai của tổ chức, cá nhân đăng ký quảng cáo.
Lưu ý khi chuẩn bị hồ sơ:
- Các tài liệu bằng tiếng Anh phải được dịch ra tiếng Việt; nộp kèm bản gốc tiếng Anh. Bản dịch phải được đơn vị đăng ký quảng cáo đóng dấu xác nhận;
- Các tài liệu bằng tiếng nước ngoài (không phải là tiếng Anh) phải dịch ra tiếng Việt;nộp kèm bản gốc tiếng nước ngoài. Bản dịch phải được công chứng theo quy định pháp luật;
- Các tài liệu trong hồ sơ được in rõ ràng; sắp xếp theo trình tự quy định tại các điều của Thông tư 09/2015/TT-BYT. Giữa các phần có phân cách bằng giấy màu; có trang bìa và danh mục tài liệu;
- Các giấy tờ trong hồ sơ phải còn hiệu lực; là bản sao chứng thực hoặc bản sao có đóng dấu của đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo. Các tài liệu trong hồ sơ phải có dấu xác nhận; dấu giáp lai của đơn vị đăng ký quảng cáo;
- Mẫu nội dung quảng cáo được trình bày trên khổ giấy A4. Mẫu hình thức quảng cáo ngoài trời khổ lớn có thể trình bày trên khổ giấy A3; hoặc khổ giấy khác và ghi rõ tỷ lệ kích thước so với kích thước thật.
Thời gian giải quyết
10 ngày làm việc
Phí và lệ phí
Căn cứ theo Thông tư số 03/2013/TT-BTC; phí thẩm định nội dung quảng cáo mỹ phẩm là 1.800.000 đồng/ hồ sơ.
Lựa chọn hình thức và phương tiện quảng cáo
Theo quy định pháp luật hiện hành; các đơn vị có thể lựa chọn các phương tiện quảng cáo sau đây:
- Các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, truyền thanh, các trang thông tin điện tử;
- Sách, báo, tạp chí, tờ rơi;
- Pano, áp phích, vật thể trên không, vật thể dưới nước;
- Tài trợ, ủy quyền cho các đơn vị khác thực hiện quảng cáo.
Ngoài ra, có thể quảng cáo mỹ phẩm thông qua hình thức hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện…
Quảng cáo mỹ phẩm ở địa phương khác
Trong trường hợp quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo thuộc địa phương khác (không phải nơi gửi hồ sơ đăng ký quảng cáo); đơn vị phải gửi đến Sở Y tế địa phương nơi dự định tiến hành quảng cáo hồ sơ gồm:
- Văn bản thông báo;
- Bản sao có chứng thực Phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo mỹ phẩm đã được cấp;
- Toàn bộ nội dung quảng cáo đã đăng ký (kịch bản hoặc mẫu quảng cáo).
Lưu ý: Hồ sơ phải được gửi trước khi tiến hành quảng cáo tối thiểu 03 ngày làm việc.
Giấy phép quảng cáo mỹ phẩm có hiệu lực trong bao lâu?
Hiệu lực của giấy phép quảng cáo mỹ phẩm căn cứ theo hiệu lực của phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Theo quy định tại Điều 31 Thông tư 06/2011/TT-BYT; giấy phép quảng cáo mỹ phẩm sẽ hết hiệu lực trong các trường hợp:
- Số đăng ký lưu hành; số Phiếu tiếp nhận bản công bố tiêu chuẩn chất lượng mỹ phẩm; số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm của sản phẩm đã hết giá trị;
- Mỹ phẩm bị cơ quan có thẩm quyền khuyến cáo ngừng sử dụng hoặc thu hồi;
- Thông tin của mỹ phẩm có sự thay đổi ảnh hưởng đến tính an toàn và chất lượng sản phẩm.
Doanh nghiệp được cấp lại Giấy xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm trong những trường hợp nào?
Doanh nghiệp được cấp lại Giấy phép trong các trường hợp sau:
- Giấy phép bị mất hoặc hư hỏng;
- Giấy phép hết hiệu lực do Số đăng ký lưu hành; số Phiếu tiếp nhận bản công bố tiêu chuẩn chất lượng mỹ phẩm; số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm của sản phẩm đã hết giá trị;
- Giấy phép còn hiệu lực nhưng đơn vị công bố sản phẩm mỹ phẩm có thay đổi về tên, địa chỉ.
Những vấn đề thường gặp khi đăng ký quảng cáo mỹ phẩm
Có được gộp nhiều sản phẩm vào một hồ sơ đăng ký quảng cáo được không?
Trong quá trình đăng ký quảng cáo; đơn vị có thể gộp nhiều sản phẩm mỹ phẩm vào cùng một hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên, không phải bất cứ sản phẩm mỹ phẩm nào cũng có thể thực hiện theo cách này. Các sản phẩm mỹ phẩm gộp chung trong một hồ sơ cần phải có cùng nhà sản xuất; và được quảng cáo dưới cùng một hình thức; có sự tương đồng về công dụng, đối tượng sử dụng…
Lưu ý: Khi gộp nhiều sản phẩm mỹ phẩm vào cùng một hồ sơ đăng ký thì đơn vị vẫn phải đóng phí thẩm định riêng cho từng sản phẩm. Vì trong trường hợp này, mỗi sản phẩm được tính là một hồ sơ quảng cáo theo quy định pháp luật.
Có phải sau khi đăng ký quảng cáo mỹ phẩm thì được quảng cáo sản phẩm dưới bất kỳ phương tiện nào không?
Theo quy định pháp luật hiện hành; hồ sơ đăng ký quảng cáo cần phải ghi rõ hình thức quảng cáo và kịch bản, mẫu quảng cáo. Như vậy, sau khi nhận được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, đơn vị chỉ có thể quảng cáo theo đúng hình thức và phương tiện đã đăng ký trong hồ sơ.
Đối với sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu từ nước ngoài thì phải xin giấy phép quảng cáo tại cơ quan nào?
Khoản 1 Điều 26 Thông tư 06/2011/TT-BYT đã quy định đơn vị đăng ký quảng cáo cần gửi hồ sơ về về Sở Y tế nơi đặt trụ sở chính của tổ chức, cá nhân công bố sản phẩm mỹ phẩm. Ngoài ra, không có điều khoản nào quy định riêng đối với mỹ phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Như vậy, cả mỹ phẩm được sản xuất trong nước và mỹ phẩm nhập khẩu từ nước ngoài đều phải đăng ký quảng cáo tại Sở Y tế.
Địa chỉ của công ty xin xác nhận quảng cáo có thay đổi so với địa chỉ của Phiếu công bố mỹ phẩm nhập khẩu thì có ảnh hưởng như thế nào?
Căn cứ theo Điều 9 Thông tư 06/2011/TT-BYT; trường hợp công ty xin xác nhận quảng cáo thay đổi địa chỉ khác với địa chỉ của Phiếu công bố mỹ phẩm nhập khẩu; công ty cần xin xác nhận với Cục Quản lý dược (Bộ Y tế). Sau khi được nhận được văn bản chấp thuận của Cục Quản lý dược; công ty mới tiếp tục thực hiện đăng ký quảng cáo mỹ phẩm.
Hồ sơ bổ sung gồm có:
- Văn bản đề nghị thay đổi;
- Danh sách phiếu công bố cần thay đổi thông tin;
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũ;
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới (đã thay đổi thông tin);
- Phiếu công bố mỹ phẩm cần thay đổi thông tin;
- Tài liệu liên quan đến việc thay đổi thông tin trên phiếu công bố.
Trong trường hợp công ty thay đổi người đại diện theo pháp luật, số điện thoại công ty, tên công ty, … thì thực hiện thủ tục tương tự như đã trình bày.
Dịch vụ xin xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm tại Pham Do Law
Tài liệu khách hàng cần cung cấp
- Bản sao Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân đăng ký quảng cáo;
- Tài liệu thuyết minh cho các tính năng, công dụng của sản phẩm (trường hợp có quảng cáo tính năng, công dụng của sản phẩm chưa được nêu trong Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm);
- 02 kịch bản quảng cáo (mô tả rõ phần hình ảnh, phần lời, phần nhạc) hoặc 02 mẫu quảng cáo dự định sẽ phát hành.
Phạm vi công việc
- Tư vấn đầu mục hồ sơ và nội dung tài liệu cần thiết để nộp hồ sơ xin xác nhận quảng cáo mỹ phẩm;
- Kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của tài liệu khách hàng cung cấp và hướng dẫn sửa đổi, bổ sung (nếu có);
- Hỗ trợ chứng thực những tài liệu cần thiết;
- Soạn thảo hồ sơ hợp lệ; các văn bản khác có liên quan (Hợp đồng quảng cáo ký với KOL, Giấy xác nhận cho phép sử dụng hình ảnh cá nhân để quảng cáo sản phẩm,…);
- Nộp hồ sơ tại Cơ quan có thẩm quyền;
- Đại diện khách hàng đóng phí, lệ phí Nhà nước;
- Trao đổi, làm việc với chuyên viên xử lý để thúc đẩy tiến trình xử lý hồ sơ;
- Nhận kết quả hồ sơ và bàn giao kết quả cho khách hàng.
Trên đây là toàn bộ ý kiến tư vấn của Pham Do Law về Các bước đăng ký quảng cáo mỹ phẩm – Đầy đủ và chi tiết. Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực vào thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.