Giảng viên có được thành lập doanh nghiệp hay không?
Giảng viên có được thành lập doanh nghiệp không? Đây là câu hỏi mà nhiều người quan tâm và chính các giảng viên cũng muốn tìm hiểu để thực hiện kinh doanh bên cạnh việc giảng dạy. Vậy pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này? Pham Do Law xin giải đáp thắc mắc của bạn đọc trong bài viết dưới đây.
Nội dung
Cơ sở pháp lý
- Luật Doanh nghiệp 2020
- Luật Viên chức 2010,sửa đổi, bổ sung năm 2019
- Luật phòng chống tham nhũng năm 2018
- Luật Giáo dục 2019
Giảng viên là ai?
Khoản 1 Điều 66 Luật giáo dục 2019:
“Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục khác, giảng dạy trình độ sơ cấp, trung cấp gọi là giáo viên; nhà giáo giảng dạy từ trình độ cao đẳng trở lên gọi là giảng viên.”
Như vậy giảng viên là chức danh chuyên môn của những người có kiến thức, trình độ chuyên môn; và trình độ sư phạm giảng dạy tại các cơ sở đào tạo ở trình độ cao đẳng trở lên.
Ở bậc đại học yêu cầu giảng viên phải có trình độ thạc sĩ trở lên. Tiêu chuẩn của giảng viên, điều kiện để làm giảng viên được Bộ giáo dục và đào tạo quy định cụ thể, rõ ràng để việc tuyển dụng của các trường đại học, cao đẳng công lập trên cả nước được đồng nhất. Đồng thời, đảm bảo chất lượng cho người học và đào tạo ra một lớp trẻ giàu tri thức và có thể tạo ra giá trị cho xã hội.
Phân loại giảng viên
Khi tuyển dụng viên chức, mỗi trường sẽ có các tiêu chí riêng để lựa chọn ứng viên. Tuy nhiên, trong quá trình công tác, trường sẽ căn cứ vào năng lực, trình độ của giảng viên để đánh giá và phân hạng chức danh nghề nghiệp.
Điều 2 Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT quy định phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập bao gồm:
“1. Giảng viên cao cấp (hạng I)- Mã số: V.07.01.01
2. Giảng viên chính (hạng II)- Mã số: V.07.01.02
3. Giảng viên (hạng III) – Mã số: V.07.01.03
4. Trợ giảng (hạng III) – Mã số: V.07.01.23″
Như vậy, chức danh nghề nghiệp của danh viên được chia thành 03 phân loại, gồm:
– Giảng viên cao cấp (hạng I);
– Giảng viên chính (hạng II);
– Giảng viên (hạng III).
Giảng viên có phải là viên chức?
Theo Điều 2 Luật Viên chức:
Viên chức là công dân Việt Nam; được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc; hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Như vậy, khái niệm về giảng viên thuộc nội hàm của khái niệm viên chức. Do đó, giảng viên cũng là viên chức. Họ được các trường đại học, cao đẳng công lập tuyển dụng vào giảng dạy cho sinh viên; được nhà trường ký kết hợp đồng làm việc, thay vì hợp đồng lao động như những người lao động thông thường khác. Tiền lương của giảng viên được lấy từ quỹ lương của trường đại học, cao đẳng công lập.
Giảng viên có được thành lập doanh nghiệp hay không?
Điểm b khoản 2 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020:
“Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam: Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức”.
Khoản 3 Điều 14 Luật viên chức:
“3. Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.”
Như vậy, viên chức không được thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020 không cấm viên chức được góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh.
Câu hỏi pháp lý
Vì sao viên chức không được thành lập doanh nghiệp?
Viên chức là những người làm việc và có quyền hạn trong các cơ quan Nhà nước; và nắm giữ những chức danh, nhiệm vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước Việt Nam. Do đó, để ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lạm quyền, pháp luật quy định viên chức không được thành lập và quản lý doanh nghiệp.
Nếu pháp luật cho phép viên chức thành lập doanh nghiệp của riêng mình thì rất dễ xảy ra tình trạng viên chức thành lập doanh nghiệp có ngành nghề trong phạm vi quyền hạn của mình quản lý. Tình trạng đan xen quyền lực, xao nhãng trách nhiệm và tự lợi cá nhân có thể xảy ra.
Vợ hoặc chồng của giảng viên có được góp vốn thành lập doanh nghiệp hay không?
Giảng viên không bị giới hạn quyền góp vốn vào doanh nghiệp, nên vợ hoặc chồng của giảng viên cũng không bị giới hạn quyền này.
Tuy nhiên, cần lưu ý khoản 4 Điều 20 Luật phòng, chống tham nhũng 2018 thì vợ hoặc chồng của viên chức không được kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
Trên đây là toàn bộ ý kiến tư vấn của Pham Do Law về Giảng viên có được thành lập doanh nghiệp hay không? Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực vào thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.