Thủ tục xin giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo đối với Phòng khám chuyên khoa
Vì sức khỏe cộng đồng, nhà nước luôn quan tâm và tích cực triển khai thực hiện khám chữa bệnh nhân đạo. Đây là một hoạt động ý nghĩa giúp chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể chất cộng đồng. Các cơ sở hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực khám, chữa bệnh nào cũng có thể xin giấy phép để thực hiện hoạt động nhân đạo này. Vậy Thủ tục xin Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo đối với Phòng khám chuyên khoa như thế nào? Pham Do Law xin được hướng dẫn qua bài viết sau đây.
Nội dung
- 1 Cơ sở pháp lý
- 2 Thế nào là hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo
- 3 Điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động
- 4 Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo đối với Phòng khám chuyên khoa
- 5 Quy trình cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo đối với Phòng khám chuyên khoa
- 6 Câu hỏi pháp lý thường gặp
- 7 Dịch vụ của Pham Do Law
Cơ sở pháp lý
- Luật khám, chữa bệnh 2009;
- Nghị định 03/2011/NĐ-CP;
- Thông tư 30/2014/TT-BYT;
- Thông tư 41/2011/TT-BYT.
Thế nào là hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo
Hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo được định nghĩa trong khoản 1 Điều 2 Thông tư 30/2014/TT-BYT. Cụ thể, đây là việc thực hiện các hoạt động sau một cách hoàn toàn miễn phí:
- Khám bệnh
- Chữa bệnh
- Cấp phát thuốc
Điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động
Điều kiện về quy mô, cơ sở vật chất, tổ chức nhân sự và trang thiết bị y tế
Để được cấp giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo, phòng khám chuyên khoa cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu được quy định tại Điều 25 Thông tư 41/2011/TT-BYT. Cụ thể như sau:
Về cơ sở vật chất
1/ Có địa điểm cố định, phù hợp; Xây dựng chắc chắn, đủ ánh sáng, dễ vệ sinh;
2/ Có các buồng khám, chữa bệnh có diện tích phù hợp (trừ phòng tư vấn khám bệnh qua điện thoại, phòng tư vấn chăm sóc sức khỏe qua các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông và thiết bị y tế);
3/ Tùy theo phạm vi chuyên môn của phòng khám, phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Có buồng thủ thuật với diện tích từ 10m2 (đối với cơ sở có thực hiện thủ thuật);
- Có buồng thăm dò chức năng với diện tích từ 10m2 (đối với cơ sở có thực hiện thăm dò chức năng);
- Có buồng khám phụ khoa với diện tích từ 10m2 (đối với cơ sở có thực hiện việc khám phụ khoa; khám các bệnh lây truyền qua đường tình dục);
- Có buồng thực hiện kỹ thuật kế hoạch hóa gia đình với diện tích từ 10m2 (đối với cơ sở có thực hiện kỹ thuật kế hoạch hóa gia đình);
- Có buồng vận động trị liệu với diện tích từ 40m2 (đối với cơ sở có thực hiện vận động trị liệu);
- Đối với phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt có từ ba ghế răng trở lên, mỗi ghế răng phải có diện tích ít nhất là 5m2;
- Đối với phòng khám chuyên khoa có sử dụng thiết bị bức xạ, phải đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn bức xạ.
4/ Bảo đảm xử lý rác thải y tế; bảo đảm vô trùng đối với các buồng: thực hiện thủ thuật, cắm Implant, kế hoạch hóa gia đình;
5/ Bảo đảm cung cấp đủ điện, nước và các điều kiện khác phục vụ cho việc chăm sóc bệnh nhân.
Về thiết bị y tế
1/ Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn đã đăng ký;
2/ Có đầy đủ thuốc chống choáng và thuốc cấp cứu;
3/ Đối với phòng tư vấn khám bệnh qua điện thoại, phòng tư vấn chăm sóc sức khỏe qua các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông và thiết bị y tế: không cần có thiết bị, dụng cụ y tế đã nêu trên; nhưng cần có đủ các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông, thiết bị phù hợp với hoạt động đã đăng ký.
Về nhân sự
1/ Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề; có thời gian trực tiếp hành nghề ít nhất là 54 tháng;
2/ Các đối tượng khác làm việc trong phòng khám chuyên khoa phải có chứng chỉ hành nghề (nếu có thực hiện các kỹ thuật chuyên môn); chỉ được thực hiện việc khám, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công phù hợp với chứng chỉ hành nghề
Về phạm vi hoạt động chuyên môn
Mỗi loại phòng khám chuyên khoa khác nhau có quy định về phạm vi hoạt động chuyên môn không giống nhau. Phạm vi hoạt động chuyên môn cụ thể của từng loại phòng khám được quy định tại khoản 4 Điều 25 Thông tư 41/2011/TT-BYT.
Điều kiện về biển hiệu
Biển hiệu của cơ sở phải ghi rõ là cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo.
Điều kiện về tài chính
Có văn bản chứng minh được cơ sở có nguồn tài chính ổn định để bảo đảm cho hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo đối với Phòng khám chuyên khoa
1/ Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động (theo mẫu tại Phụ lục 13 Thông tư số 41/2011/TT-BYT);
2/ Bản sao có chứng thực của một trong số các giấy tờ sau:
- Quyết định thành lập (đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước);
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân);
- Giấy chứng nhận đầu tư (đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài);
3/ Chứng chỉ hành nghề của tất cả người hành nghề (bản sao có chứng thực);
4/ Danh sách người đăng ký hành nghề (theo mẫu tại Phụ lục 6 Thông tư 41/2011/TT-BYT);
5/ Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế (theo mẫu tại Phụ lục 14 Thông tư 41/2011/TT-BYT);
6/ Hồ sơ nhân sự của người làm việc chuyên môn y tế (không thuộc diện phải cấp chứng chỉ hành nghề);
7/ Tài liệu chứng minh cơ sở đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức nhân sự phù hợp với phạm vi hoạt động chẩn đoán hình ảnh;
8/ Dự kiến phạm vi hoạt động chuyên môn;
9/ Văn bản chứng minh cơ sở có nguồn gốc tài chính ổn định để bảo đảm cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.
Quy trình cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo đối với Phòng khám chuyên khoa
Thẩm quyền cấp
Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép này là Sở Y tế.
Trình tự cấp
Bước 1:
- Cơ sở chẩn bị và nộp 01 bản hồ sơ về cơ quan có thẩm quyền;
- Cơ quan có thẩm quyền trả Phiếu tiếp nhận hồ sơ.
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ:
Trường hợp hồ sơ hợp lệ:
- Trong vòng 90 ngày, cơ quan thành lập đoàn thẩm định; tiến hành thẩm định tại cơ sở để cấp giấy phép hoạt động.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ:
- Trong 10 ngày, cơ quan có thẩm quyền gửi thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung;
- Khi hồ sơ đã hợp lệ, thực hiện thủ tục cấp như đã trình bày ở trên. (Lưu ý: Thời hạn 90 ngày tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ).
Bước 3:
- Cơ quan có thẩm quyền trả giấy phép hoạt động cho cơ sở;
- Trường hợp không cấp giấy phép hoạt động, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời rõ lý do bằng văn bản.
Cách thức nộp hồ sơ
Có thể nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền.
Phí và lệ phí
Thủ tục xin cấp Giấy phép này không yêu cầu đóng phí.
Thời hạn giải quyết
Thời hạn giải quyết của thủ tục này là 90 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận đủ hồ sơ.
Câu hỏi pháp lý thường gặp
Khi giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo đối với Phòng khám chuyên khoa bị mất thì có xin cấp lại được không?
Khoản 4 Điều 44 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 có quy định:
“Trường hợp giấy phép hoạt động bị mất hoặc bị hư hỏng hoặc bị thu hồi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 48 của Luật này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp lại giấy phép hoạt động.”
Như vậy, trường hợp Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo đối với Phòng khám chuyên khoa bị mất, cơ sở có thể xin cấp lại.
Thủ tục xin cấp lại giấy phép này như thế nào? Có giống thủ tục xin cấp mới không?
Thủ tục xin cấp lại giấy phép này khác với thủ tục xin cấp mới. Thủ tục cụ thể được quy định tại khoản 1 Điều 47 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009. Theo đó:
Hồ sơ xin cấp lại
Đơn đề nghị (mẫu tại Phụ lục 18 Thông tư 41/2011/TT-BYT);
Bản gốc giấy phép (nếu có).
Trình tự thủ tục xin cấp lại
1/ Cơ sở nộp 01 bộ hồ sơ về cơ quan có thẩm quyền; sau đó nhận Phiếu tiếp nhận hồ sơ.
2/ Cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, thẩm định hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan gửi thông báo yêu cầu sửa đổi; bổ sung bằng văn bản trong 10 ngày làm việc.
3/ Cơ quan có thẩm quyền cấp lại Giấy phép hoạt động trong vòng 30 ngày (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ). Trường hợp không cấp lại giấy phép; cơ quan phải có văn bản thông báo ghi rõ lý do.
Những trường hợp nào giấy này sẽ bị thu hồi?
Phòng khám chuyên khoa là một hình thức của cơ sở khám, chữa bệnh. Căn cứ theo khoản 1 Điều 48 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009; các trường hợp thu hồi giấy phép đối với cơ sở khám, chữa bệnh bao gồm:
- Giấy phép hoạt động được cấp không đúng thẩm quyền;
- Không đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định tại Điều 43 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009;
- Không hoạt động trong vòng 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép hoạt động;
- Tạm dừng hoạt động trong vòng 12 tháng;
- Chấm dứt hoạt động.
Xem thêm:
- Thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo đối với cơ sở khám bệnh chữa bệnh.
- Thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo đối với phòng khám chẩn đoán hình ảnh.
Dịch vụ của Pham Do Law
Khách hàng cần cung cấp
1/ Bản sao có chứng thực của một trong số các giấy tờ sau:
- Quyết định thành lập;
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Giấy chứng nhận đầu tư;
2/ Chứng chỉ hành nghề của tất cả người hành nghề (bản sao có chứng thực);
3/ Hồ sơ nhân sự của người làm việc chuyên môn y tế;
4/ Các tài liệu, thông tin cần thiết về cơ sở vật chất, thiết bị và nhân sự;
5/ Dự kiến phạm vi hoạt động chuyên môn;
6/ Văn bản chứng minh cơ sở có nguồn tài chính ổn định; để bảo đảm cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.
Phạm vi công việc
- Tư vấn tất cả các vấn đề liên quan đến việc xin cấp Giấy phép;
- Nhận tài liệu từ quý khách hàng;
- Soạn thảo hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, nhanh chóng;
- Trực tiếp nộp hồ sơ và làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Tư vấn, chuẩn bị các điều kiện để được cấp Giấy phép;
- Tham gia trong quá trình thẩm định hồ sơ, thẩm định thực tế tại cơ sở;
- Kiểm tra thông tin của quý khách và nhận kết quả;Nhận kết quả và gửi giấy phép theo đúng thỏa thuận.
Trên đây là toàn bộ ý kiến tư vấn của Pham Do Law về Thủ tục xin giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo đối với Phòng khám chuyên khoa. Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực vào thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.