Thủ tục xin giấy phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật
Thuốc bảo vệ thực vật là sản phẩm có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường xung quanh. Chính vì vậy mà pháp luật hiện hành có nhiều quy định chặt chẽ về việc kinh doanh sản phẩm này. Tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cần được cấp Giấy phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Vậy thủ tục xin cấp loại giấy này thực hiện như thế nào? Pham Do Law xin đưa ra ý kiến của mình đối với vấn đề này.
Nội dung
Cơ sở pháp lý
- Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2013;
- Nghị định 66/2016/NĐ-CP;
- Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT;
- Thông tư 231/2016/TT-BTC;
- Quyết định 2655/QĐ-BNN-PC.
Khái niệm kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật
Thuốc bảo vệ thực vật là gì?
Khoản 16 Điều 3 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 đã định nghĩa:
“Thuốc bảo vệ thực vật là chất hoặc hỗn hợp các chất hoặc chế phẩm vi sinh vật có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn, xua đuổi, dẫn dụ, tiêu diệt hoặc kiểm soát sinh vật gây hại thực vật; điều hòa sinh trưởng thực vật hoặc côn trùng; bảo quản thực vật; làm tăng độ an toàn, hiệu quả khi sử dụng thuốc.”
Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật gồm hoạt động gì?
Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật là hành vi của tổ chức, cá nhân nhập thuốc bảo vệ thực vật và phân phối đến người có nhu cầu sử dụng hoặc các chủ thể kinh doanh khác. Theo quy định pháp luật hiện hành thì đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều này đồng nghĩa với việc để tiến hành hoạt động kinh doanh; tổ chức, cá nhân cần được cấp giấy phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.
Giấy phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật
Khái niệm
Giấy phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (hay Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật) là loại giấy chứng minh tổ chức, cá nhân đã đáp ứng các điều kiện mà hoạt động buôn bán thuốc bảo vệ thực vật yêu cầu. Giấy này được cấp bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Đây là một điều kiện bắt buộc phải có nếu tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh ngành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.
Điều kiện để được cấp phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật
Theo quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013, cần đáp ứng các điều kiện sau đây:
“a) Có địa điểm hợp pháp, bảo đảm về diện tích, khoảng cách an toàn cho người, vật nuôi và môi trường theo đúng quy định;
b) Có kho thuốc đúng quy định, trang thiết bị phù hợp để bảo quản, xử lý thuốc bảo vệ thực vật khi xảy ra sự cố;
c) Chủ cơ sở buôn bán thuốc và người trực tiếp bán thuốc bảo vệ thực vật phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành bảo vệ thực vật, trồng trọt, sinh học, hóa học hoặc có giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật.”
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật
1/ Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (mẫu quy định tại Phụ lục XIV Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT);
2/ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao có công chứng; hoặc bản sao chụp kèm bản gốc để đối chiếu);
3/ Bản thuyết minh điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (quy định tại Phụ lục XVI Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT).
Quy trình cấp cấp giấy phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật
Thẩm quyền cấp phép
Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ ở địa phương có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.
Trình tự thủ tục cấp
Bước 1: Cá nhân tổ chức nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ trong 02 ngày làm việc; hồ sơ không hợp lệ được trả về để hoàn thiện, bổ sung;
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ trong 03 ngày làm việc. Hồ sơ chưa đáp ứng quy định được thông báo để bổ sung, hoàn thiện;
Bước 3: Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập đoàn đánh giá.
Bước 4: Đoàn đánh giá thông báo bằng văn bản cho cơ sở về kế hoạch đánh giá trước thời điểm đánh giá 05 ngày, thời gian đánh giá tại cơ sở không quá 01 ngày làm việc.
Bước 5:
Trường hợp cơ sở đạt yêu cầu
Được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trong 05 ngày làm việc
Trường hợp cơ sở không đạt yêu cầu
Được thông báo bằng văn bản và yêu cầu khắc phục trong 60 ngày; được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trong 03 ngày làm việc sau khi nhận được báo cáo khắc phục;
Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận
Cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản và nên rõ lý do.
Cách thức nộp hồ sơ
- Đến nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền;
- Nộp qua hình thức trực tuyến;
- Nộp qua dịch vụ bưu chính.
Thời gian giải quyết
Trường hợp cơ sở đủ điều kiện: nhận được giấy phép trong vòng 21 ngày làm việc (không tính thời gian bổ sung, hoàn thiện hồ sơ);
Trường hợp cơ sở chưa đủ điều kiện: nhận được giấy phép trong vòng 84 ngày làm việc; khi nhận được bản báo cáo khắc phục của cơ sở có điều kiện không đạt hoặc kết quả kiểm tra lại (không tính thời gian bổ sung, hoàn thiện hồ sơ).
Lệ phí
Lệ phí để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật là 800.000đ/ lần cấp.
Câu hỏi pháp lý thường gặp
Trường hợp giấy phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật bị mất thì có được cấp lại giấy mới hay không?
Trường hợp giấy phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật bị mất thì không được cấp lại giấy mới. Tổ chức, cá nhân phải thực hiện thủ tục cấp lại.
Căn cứ theo Điều 15 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT, Giấy phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật bị mất, sai sót, hư hỏng thì có thể được cấp lại. Giấy phép này chỉ được cấp mới trong trường hợp có điều chỉnh về nội dung đã đăng ký trong giấy như thay đổi thông tin về chủ cơ sở, số điện thoại, địa chỉ, địa điểm kinh doanh.
Như vậy, trong trường hợp Giấy phép bị mất; cá nhân, tổ chức xin cấp lại để tiếp tục hoạt động kinh doanh của mình. Hồ sơ xin cấp lại chỉ bao gồm Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật; (theo mẫu tại Phụ lục II Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT); đồng thời phải đóng lệ phí theo quy định.
Giấy phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật có thời hạn bao lâu? Trong trường hợp hết hạn có được gia hạn không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013, Giấy phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật có thời hạn 05 năm.
Căn cứ Điều 36 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT, trường hợp Giấy phép hết thời hạn, tổ chức, cá nhân có thể xin cấp lại. Theo đó, 03 tháng trước khi Giấy phép hết thời hạn; tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục buôn bán thuốc bảo vệ thực vật cần thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép. Hồ sơ và trình tự thủ tục cấp lại thực hiện theo thủ tục quy định tại Điều 35 Thông tư này.
Dịch vụ của Pham Do Law
Khách hàng cần cung cấp
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Các tài liệu về điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.
Phạm vi công việc
- Tư vấn tất cả các vấn đề liên quan đến việc xin cấp Giấy phép;
- Nhận tài liệu từ quý khách hàng;
- Soạn thảo hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, nhanh chóng;
- Trực tiếp nộp hồ sơ làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Tư vấn, chuẩn bị các điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật;
- Tham gia trong quá trình thẩm định hồ sơ, thẩm định thực tế tại cơ sở;
- Kiểm tra thông tin của quý khách và nhận kết quả;
- Nhận kết quả và gửi giấy phép theo đúng thỏa thuận.
Trên đây là toàn bộ ý kiến tư vấn của Pham Do Law về Thủ tục xin giấy phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực vào thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.