Tính mới của kiểu dáng công nghiệp được quy định như thế nào?
Bạn đã biết gì về tính mới của kiểu dáng công nghiệp? Tính mới này được quy định như thế nào theo Luật sở hữu trí tuệ? Hãy cùng PHAMDOLAW tìm hiểu cụ thể hơn qua bài viết dưới đây.
Nội dung
- 1 Kiểu dáng công nghiệp là gì?
- 2 Điều kiện để bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là gì?
- 3 Tính mới của kiểu dáng công nghiệp được quy định như thế nào?
- 4 Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp
- 5 Tầm quan trọng của việc bảo vệ tính mới của kiểu dáng công nghiệp
- 6 Vi phạm về tính mới của kiểu dáng công nghiệp có bị xử lý không?
- 7 Khả năng áp dụng công nghiệp của kiểu dáng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp là gì?
Trước khi tìm hiểu về các tính mới của kiểu dáng công nghiệp được quy định thế nào, hãy cùng Phamdolaw làm rõ về khái niệm của kiểu dáng công nghiệp như sau.
Kiểu dáng công nghiệp được hiểu là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối với đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này. Sản phẩm được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện, hoặc bộ phận dùng để lắp ráp, hợp thành các sản phẩm,… được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập.
Điều kiện để bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là gì?
Nếu như bạn muốn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp thì phải đáp ứng đủ các điều kiện cơ bản sau đây:
1. Kiểu dáng công nghệ có tính mới
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới là khi kiểu dáng công nghiệp đó có sự khác biệt đáng kể so với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng; mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài.
Những kiểu dáng công nghiệp có tính mới này cần đáp ứng trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu như đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.
2. Kiểu dáng công nghệ có tính sáng tạo
Kiểu dáng công nghiệp được có tính sáng tạo được hiểu là căn cứ dựa vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
Trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên mà kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
3. Kiểu dáng công nghiệp có khả năng áp dụng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng chính kiểu dáng công nghệ đó làm mẫu, chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho kiểu dáng công nghiệp trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.
Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau, cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất. Trong trường hợp này, văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đối tượng của một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo thoả thuận của tất cả những người nộp đơn; nếu không thoả thuận được thì các đối tượng tương ứng của các đơn đó bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
Tính mới của kiểu dáng công nghiệp được quy định như thế nào?
Căn cứ vào Điều 65 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2019 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về tính mới của kiểu dáng công nghiệp, cụ thể:
“1. Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.
2. Hai kiểu dáng công nghiệp không được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và không thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó.
3. Kiểu dáng công nghiệp được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó.
4. Kiểu dáng công nghiệp không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:
a) Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này;
b) Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này công bố dưới dạng báo cáo khoa học;
c) Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.”
Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp
Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp:
1. Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;
2. Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;
3. Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.
Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có
Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kĩ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có nếu được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp sẽ dẫn tới hậu quả hạn chế sáng tạo (thay vì mục đích khuyến khích sáng tạo của pháp luật về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp). Bởi vì những hình dáng này là kết quả tất yếu và bất buộc đối với bất kỳ sản phẩm nào có đặc tính kĩ thuật tương tự.
Nếu cho phép độc quyền bảo hộ các hình dáng này sẽ dẫn tới những bất hợp lý: (i) không đảm bảo điều kiện về tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ; (ii) những chủ thể khác khi áp dụng tính chất kĩ thuật tương tự đối với các sản phẩm của mình sẽ không thể thực hiện được (trong khi các kết quả này là bắt buộc phải có); (iii) sự kế thừa, phát triển các kiểu dáng và bản chất về sự thỏa thuận của cộng đồng và chủ thể sáng tạo không được áp dụng.
VD: hình tròn của bánh xe, hình xoắn ốc của đinh ốc, mặt phẳng của đĩa CD, hai đầu của chiếc kim khâu,…
Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp
Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp, về cơ bản không phải là kiểu dáng công nghiệp của đối tượng đó và cũng không đáp ứng yêu cầu về tính sản xuất công nghiệp. Hình dáng này là sự dựng hình vật chất từ bản vẽ thiết kế xây dựng. Do đó, đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở đây là bản vẽ, thay vì là sản phẩm được tạo ra từ bản vẽ.
Mặt khác, các công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp có thể có hình dáng bên ngoài giống nhau, bởi vì hình dáng bên ngoài của các công trình xây dựng cũng có thể coi là do đặc tính kỹ thuật bắt buộc phải có; nhưng điểm quyết định sự khác biệt giữa các công trình không phải là hình dáng; mà là thiết kế bên trong công trình như vật liệu xây dựng, cách bố trí đồ trang trí, nội thất bên trong. Vì vậy, hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng không được bảo hộ với danh nghĩa là kiểu dáng công nghiệp là hoàn toàn hợp lý.
VD: nhà xây, công trình cầu đường,…
Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm
Một trong những tính năng quan trọng của kiểu dáng công nghiệp là tính thẩm mỹ nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, từ đó đẩy mạnh quá trình tiêu thụ sản phẩm. Đối với những loại sản phẩm mà hình dáng bên ngoài là một trong những đặc điểm quan trọng ảnh hưởng đến sức tiêu thụ sản phẩm thì việc bảo hộ cho những hình dáng đó là cần thiết.
Bên cạnh đó, kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, thể hiện tổng thể tạo hình của sản phẩm. Do đó, hình dáng của các chi tiết bên trong của sản phẩm, của bộ phận cấu thành nên sản phẩm nhưng không thể quan sất khi sử dụng sản phẩm mà khi tháo rời các bộ phận hoặc phải bóc gỡ vào bên trong mới nhìn thấy thì không thể đảm bảo tính chất “bên ngoài” này. Do đó, các kiểu dáng này, cho dù có đáp ứng được các điều kiện như tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp cũng không được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp. Ví dụ: hình dáng của động cơ bên trong một chiếc máy, hình dáng của các linh kiện bên trong một thiết bị điện tử không được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp
VD: hình dáng kem đánh răng, động cơ xe máy,…
Tầm quan trọng của việc bảo vệ tính mới của kiểu dáng công nghiệp
Khi tổ chức, cá nhân muốn đăng ký kiểu dáng tính mới công nghiệp; việc giữ bí mật sản phẩm là cần thiết, vô cùng quan trọng. Kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ cần phải chưa bị bộc lộ, công khai sản phẩm hay ở dưới bất kỳ hình thức nào tính đến ngày nộp đơn.
Kiểu dáng công nghiệp có thể bị bộc lộ bằng các cách thức cơ bản: kiểu dáng công nghiệp này đã được đưa vào sử dụng; bản mô tả bằng văn bản: quảng cáo trên Catalogue, sản phẩm được tiếp thị của công ty hay phát hành các ấn phẩm, trưng bày ở các cuộc thi, triển lãm hay bài học… thông qua bất kỳ hình thức nào trước ngày nộp đơn xin được yêu cầu bảo hộ.
Không những thế, kiểu dáng công nghiệp được coi là chưa bị lộ, công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết. Cùng với đó họ cũng có nghĩa vụ phải giữ bí mật về kiểu dáng đó. Chính vì thế nếu như sản phẩm bị bộc lộ ra ngoài cho người khác biết trước kiểu dáng được bảo hộ, bạn nên có một bản hợp đồng bằng văn bản về việc giữ bí mật kiểu dáng công nghiệp, cần quy định rõ ràng kiểu dáng cần được giữ bí mật là gì. Nếu như kiểu dáng công nghiệp không may bị lộ ra và mất đi tính mới trước khi đăng ký bảo hộ, kiểu dáng đó sẽ trở thành một bộ phận của sở hữu cộng đồng, từ đó chúng ta không được bảo hộ.
Vi phạm về tính mới của kiểu dáng công nghiệp có bị xử lý không?
Điều 126 Luật Sở hữu trí tuệ quy định các hành vi bị coi là xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp gồm:
– Sử dụng sáng chế được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó, thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc bất kỳ phần nào có tính nguyên gốc của thiết kế bố trí đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;
– Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời.
Như vậy, tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên.
Do đó, việc sử dụng kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó, thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc bất kỳ phần nào có tính nguyên gốc của thiết kế bố trí đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp.
Khả năng áp dụng công nghiệp của kiểu dáng công nghiệp
Căn cứ Điều 67 Luật sở hữu trí tuệ 2005 “ Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.”
Tức là, nếu căn cứ vào các thông tin về kiểu dáng công nghiệp được trình bày trong đơn, người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng có thể ứng dụng làm mẫu để chế tạo bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp sản phẩm có hình dáng bên ngoài trùng với kiểu dáng công nghiệp đó.
PHAMDOLAW đã giúp bạn cập nhật những thông tin cơ bản về tính mới của kiểu dáng công nghiệp – cụ thể về định nghĩa, điều kiện bảo hộ cũng như quy định của pháp luật về kiểu dáng công nghiệp.