Thành lập công ty dịch vụ kế toán
Hiện nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp lựa chọn sử dụng dịch vụ kế toán bên ngoài. Điều này vừa tiết kiệm chi phí và nguồn nhân lực; vừa đảm bảo các thủ tục kế toán được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Do đó, nhiều tổ chức, cá nhân lựa chọn thành lập công ty dịch vụ kế toán để kinh doanh. Vậy điều kiện thành lập công ty kế toán như thế nào? Quy trình thủ tục ra sao? Pham Do Law xin được chia sẻ kinh nghiệm qua bài viết dưới đây.
Nội dung
Điều kiện thành lập công ty dịch vụ kế toán
Căn cứ theo Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020, Kinh doanh dịch vụ kế toán thuộc Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Như vậy, các tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh dịch vụ kế toán cần đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Điều kiện về vốn
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 59 Luật Kế toán 2015; công ty kinh doanh dịch vụ kế toán có thể được thành lập theo một trong ba hình thức:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
- Công ty hợp danh
- Doanh nghiệp tư nhân.
Trong đó, nếu muốn thành lập theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn thì cần đảm bảo điều kiện về vốn góp theo quy định tại Điều 26 và Điều 27 Nghị định 174/2016/NĐ-CP. Cụ thể:
– Có ít nhất hai thành viên góp vốn là kế toán viên đăng ký hành nghề tại công ty;
– Về tỷ lệ vốn góp:
- Đối với thành viên là tổ chức: được góp tối đa 35% vốn điều lệ của công ty. Trường hợp có nhiều tổ chức góp vốn; tổng số vốn góp của các thành viên là tổ chức cũng không được vượt quá 35%.
- Đối với thành viên là kế toán viên hành nghề: tổng số vốn góp của các thành viên là kế toán viên hành nghề phải chiếm hơn 50% vốn điều lệ của công ty.
Điều kiện về nhân sự
Căn cứ theo Điều 60 Luật Kế toán 2015; công ty kinh doanh dịch vụ kế toán cần đáp ứng điều kiện về nhân sự như sau:
– Có ít nhất hai thành viên là kế toán viên hành nghề (có Chứng chỉ kế toán viên và Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán);
– Các vị trí sau đây bắt buộc phải do kế toán viên hành nghề đảm nhiệm:
- Người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh);
- Chủ doanh nghiệp, đồng thời là giám đốc (đối với công ty tư nhân);
- Giám đốc hoặc tổng giám đốc chi nhánh (đối với chi nhánh doanh nghiệp kế toán nước ngoài tại Việt Nam).
Quy trình thành lập công ty dịch vụ kế toán
Bước 1: Thành lập công ty
Khi thành lập công ty kinh doanh dịch vụ kế toán, cần lưu ý những vấn đề sau:
– Cần ghi đúng mã ngành, nghề kinh doanh được quy định. Vì tổ chức, cá nhân chỉ được kinh doanh ngành nghề đã đăng ký thành lập. Những vấn đề liên quan đến việc ghi mã ngành, nghề kinh doanh được quy định tại Điều 7 Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Quyết định 27/2018/QĐ-TTg quy định mã ngành liên quan đến kế toán như sau:
692 – 6920 – 69200: Hoạt động liên quan đến kế toán, kiểm toán và tư vấn về thuế
– Tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn thành lập công ty theo một trong ba hình thức: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, nếu chọn thành lập theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn; cần đảm bảo yêu cầu về vốn góp đã được trình bày ở trên.
– Để thành lập công ty theo đúng quy định pháp luật; quý khách hàng tham khảo bài viết Thủ tục thành lập công ty – Nhanh và dễ dàng của Pham Do Law.
Bước 2: Xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán
– Doanh nghiệp có nhu cầu xin cấp Giấy chứng nhận gửi hồ sơ đến Bộ tài chính;
– Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ; Bộ Tài chính ra quyết định cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận. Trường hợp từ chối cấp, Bộ Tài chính cần trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
– Doanh nghiệp cần đóng phí cấp Giấy chứng nhận chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán 4.000.000 VNĐ/ lần cấp mới.
Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán
1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán (mẫu quy định tại Phụ lục II Thông tư số 297/2016/TT-BTC).
2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy tờ có giá trị tương đương.
3. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán của các kế toán viên hành nghề.
4. Hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán và các kế toán viên hành nghề.
5. Các tài liệu sau:
- Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn: tài liệu chứng minh về vốn góp và điều lệ công ty;
- Đối với công ty hợp danh: điều lệ công ty;
- Đối với chi nhánh doanh nghiệp kế toán nước ngoài tại Việt Nam: văn bản cam kết chịu trách nhiệm; giấy tờ chứng nhận được phép kinh doanh dịch vụ kế toán.
Đối tượng không được đăng ký thành lập công ty dịch vụ kế toán
Theo khoản 4 Điều 58 Luật Kế toán 2015; những đối tượng sau không được đăng ký thành lập công ty dịch vụ kế toán:
– Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước;
– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp hoặc công nhân, viên chức quốc phòng, Công an nhân dân;
– Người đang bị cấm hành nghề kế toán hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế liên quan đến tài chính, kế toán (chưa được xóa án tích); người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
– Người đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (chưa được xóa án tích);
– Người bị xử phạt về hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán, kiểm toán mà chưa hết thời hạn 06 tháng (sau khi chấp hành xong hình phạt cảnh cáo) hoặc chưa hết thời hạn 01 năm (sau khi chấp hành xong hình phạt hành chính khác);
– Người bị đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán.
Kinh nghiệm thành lập công ty dịch vụ kế toán
Cơ cấu tổ chức trong công ty dịch vụ kế toán
Thông thường, một công ty kế toán có cơ cấu tổ chức gồm ban giám đốc và các phòng ban cụ thể.
– Ban giám đốc: có thể chỉ có một giám đốc hoặc có tổng giám đốc và các phó giám đốc chịu trách nhiệm cho từng lĩnh vực. Theo điều kiện về nhân sự của công ty dịch vụ kế toán; giám đốc hoặc tổng giám đốc phải là kế toán viên hành nghề (có Chứng chỉ kế toán viên và Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán);
– Các phòng ban: mỗi phòng ban đảm nhiệm từng nhiệm vụ cụ thể. Tuy nhiên, do tính chất là công ty cung cấp dịch vụ kế toán; đa số thành viên thuộc các phòng ban đều có chuyên môn về lĩnh vực này.
Hộ kinh doanh có thể hoạt động ngành dịch vụ kế toán
Căn cứ theo Điều 65 Luật Kế toán 2015; hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán mà không cần xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán. Tuy nhiên, hộ kinh doanh cần đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
– Cá nhân hoặc đại diện nhóm cá nhân thành lập hộ kinh doanh bắt buộc là kế toán viên hành nghề.
Thông báo ngay sau khi có sự thay đổi bất cứ hoạt động nào cho Bộ tài chính
Căn cứ theo Điều 66 Luật Kế toán 2015, nếu có thay đổi về một trong các nội dung quy định trong điều luật này; doanh nghiệp cần thông báo cho Bộ tài chính trong vòng 10 ngày. Nếu không hoàn thành nghĩa vụ thông báo; doanh nghiệp sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 33 Nghị định 41/2018/NĐ-CP. Cụ thể:
– Thông báo chậm dưới 15 ngày: phạt cảnh cáo;
– Thông báo chậm từ 15 ngày trở lên: phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
– Không thông báo: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Kinh nghiệm phải từ chối cung cấp dịch vụ kế toán trong các trường hợp
Căn cứ Điều 68 Luật Kế toán và Điều 25 Nghị định 174/2016/NĐ-CP; cần từ chối cung cấp dịch vụ kế toán nếu người quản lý, điều hành doanh nghiệp, người đại diện hộ kinh doanh hoặc người trực tiếp thực hiện dịch vụ kế toán thuộc một trong các trường hợp:
– Là cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người có trách nhiệm quản lý, điều hành hoặc kế toán trưởng của đơn vị kế toán; (trừ trường hợp đơn vị kế toán là doanh nghiệp tư nhân; công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; các doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước là doanh nghiệp siêu nhỏ);
– Có quan hệ kinh tế, tài chính với đơn vị kế toán đó;
– Không đủ năng lực chuyên môn, không đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ;
– Đang cung cấp dịch vụ làm kế toán trưởng cho khách hàng là tổ chức có quan hệ kinh tế, tài chính với đơn vị kế toán đó;
– Đơn vị kế toán yêu cầu thực hiện những công việc không đúng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, không đúng yêu cầu chuyên môn;
– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Chế độ báo cáo định kỳ cần tuân thủ
Theo quy định tại Điều 32 và Điều 33 Nghị định 174/2016/NĐ-CP; các đối tượng sau đây cần thực hiện nghĩa vụ báo cáo định kỳ 06 tháng một lần cho Bộ tài chính:
– Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài cung cấp dịch vụ kế toán tại Việt Nam;
– Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam liên danh với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài.
Trên đây là toàn bộ ý kiến tư vấn của Pham Do Law về Thành lập công ty dịch vụ kế toán. Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực vào thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.