Pham Do LawPham Do LawPham Do Law
0

Thành lập công ty xuất khẩu nông sản

Thành công trong việc đưa những mặt hàng nông sản của Việt Nam ra tiêu thụ tại nước ngoài có đóng góp không nhỏ của các công ty xuất khẩu nông sản. Loại hình kinh doanh xuất khẩu nông sản này vẫn đang phát triển mạnh mẽ và còn hứa hẹn nhiều tiềm năng hơn nữa trong tương lai. Vậy thành lập công ty xuất khẩu nông sản có phức tạp không? Cần những điều kiện gì để thành lập công ty xuất khẩu nông sản? Hãy cùng trả lời những câu hỏi này trong bài viết dưới đây nhé.

Điều kiện thành lập công ty xuất khẩu nông sản

Không có quy định điều kiện về vốn điều lệ, loại hình doanh nghiệp, bằng cấp và chứng chỉ hành nghề của chủ sở hữu, người quản lý,… khi thành lập công ty xuất khẩu nông sản.

Cụ thể hơn, công ty có thể được thành lập với số vốn điều lệ, loại hình, cơ cấu tổ chức theo nhu cầu của chủ sở hữu. Bất kể ai đáp ứng điều kiện thành lập, quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng có thể đứng ra thành lập, quản lý công ty mà không cần có bằng cấp phù hợp.

Tuy nhiên, sau khi thành lập, để đi vào hoạt động kinh doanh xuất khẩu, công ty cần đáp ứng điều kiện về giấy phép con, có thể kể đến như: giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy chứng nhận lưu hành tự do, giấy phép kiểm dịch thực vật, ….

Thủ tục thành lập công ty xuất khẩu nông sản

Quy trình thực hiện thủ tục đăng ký thành lập công ty xuất khẩu nông sản cũng tương tự như đăng ký thành lập các loại hình công ty khác.

Trước tiên, phải thực hiện thủ tục thành lập công ty, nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; và thực hiện các thủ tục liên quan như làm con dấu, mở tài khoản ngân hàng, đăng ký chữ ký số, mua hóa đơn điện tử, khai và nộp lệ phí môn bài.

Quý khách hàng có thể tham khảo hướng dẫn thành lập công ty tại bài viết Thủ tục thành lập công ty nhanh và dễ dàng

Riêng đối với ngành, nghề kinh doanh, có thể đăng ký các mã ngành như sau:

  • Mã ngành 4620 – Bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống
  • Mã ngành 4631 – Bán buôn gạo, lúa mỳ, hạt ngũ cốc khác, bột mỳ
  • Mã ngành 4669 – Bán buôn chuyên doanh khác chưa được phân vào đâu
  • Mã ngành 4632 – Bán buôn thực phẩm

Sau đó, tiến hành xin các loại giấy phép để thực hiện việc xuất khẩu hàng hóa nông sản.

Hiện nay, không có quy định chung về các loại giấy phép khi xuất khẩu hàng hóa. Tùy thuộc từng loại hàng hóa và/hoặc yêu cầu của nước nhập khẩu mà xác định cần xin những loại giấy phép nào.

Các loại giấy phép bắt buộc phải có khi xuất khẩu nông sản

Kiểm dịch thực vật 

Những nông sản phải thực hiện kiểm dịch

Theo Thông tư 30/2014/TT-BNNPTNT,

Danh mục vật thể thuộc diện phải kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu hàng hóa:

  1. Thực vật: Cây và các bộ phận còn sống của cây.
  2. Sản phẩm của cây
    1. Các loại củ, quả, hạt, hoa, lá, thân, cành, gốc, rễ, vỏ cây;
    2. Các loại tấm, cám, khô dầu, sợi tự nhiên dạng thô, xơ thực vật;
    3. Bột, tinh bột có nguồn gốc thực vật (trừ bột nhào, tinh bột biến tính);
    4. Cọng thuốc lá, thuốc lá sợi, thuốc lào sợi, men thức ăn chăn nuôi, bông thô, phế liệu bông, rơm, rạ và thực vật thủy sinh;
    5. Gỗ tròn, gỗ xẻ, pallet gỗ, mùn cưa, mùn dừa;
    6. Nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc thực vật;
    7. Giá thể trồng cây có nguồn gốc thực vật.
  3. Các loại nấm (trừ nấm ở dạng muối, đông lạnh, đóng hộp, nấm men
  4. Kén tằm, gốc rũ kén tằm và cánh kiến.

Các loại nông sản thuộc danh mục kể trên phải được thực hiện kiểm dịch trước khi xuất khẩu.

Thủ tục kiểm dịch thực vật:

  1. Hồ sơ: 01 bản chính giấy đăng ký kiểm dịch thực vật xuất khẩu
  2. Trình tự thực hiện:
    • Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật;
    • Kiểm tra ngay tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký và tiến hành kiểm dịch ngay;
    • Cấp GCN kiểm dịch thực vật
  3. Thời hạn thực hiện: 24 giờ kể từ khi tiến hành kiểm dịch
  4. Cơ quan thực hiện: Trạm kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu hoặc chi cục kiểm dịch thực vật vùng.

Ví dụ: Trạm KDTV sân bay Tân Sơn Nhất, Trạm KDTV Vũng Tàu, …

Chứng nhận hun trùng (Certificate of Fumigation)

Hiện nay, đối với mặt hàng nông sản nói riêng và những mặt hàng dễ phát sinh côn trùng, nấm mốc trong quá trình vận chuyển, đa số các quốc gia đều yêu cầu hàng hóa đó cần được khử trùng trước khi nhập khẩu.

Do vậy, khách hàng cần làm thủ tục xin cấp GCN hun trùng hàng hóa tại các tổ chức có thẩm quyền thực hiện dịch vụ hun trùng và cấp GCN hun trùng.

Một số tổ chức có thẩm quyền thực hiện: CTCP hun trùng Việt Nam (VFC); CTCP trừ mối – khử trùng Việt Nam (TCFC)

Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Certificate of Origin – C/O)

Khái niệm

Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa bao gồm:

  • Chứng từ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp cho thương nhân;
  • Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của thương nhân

Trường hợp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, Bộ Công thương sẽ có văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đó.

Chứng nhận xuất xứ hàng hóa được áp dụng:

  • Khi có yêu cầu từ thương nhân (có chứng nhận xuất xứ hàng hóa có thể được áp dụng ưu đãi về thuế quan);
  • Khi pháp luật yêu cầu bắt buộc phải có chứng nhận xuất xứ hàng hóa;

Mà theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 Luật Hải quan 2014, thông thường, cơ quan hải quan sẽ kiểm tra xuất xứ hàng hóa dựa vào thông tin kê khai của chủ hàng, chứng từ trong hồ sơ hải quan và việc kiểm tra thực tế hàng hóa. Trường hợp có nghi ngờ về xuất xứ hàng hóa, cơ quan hải quan mới yêu cầu chủ hàng cung cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bên nhập khẩu yêu cầu chứng từ C/O, và cũng để đảm bảo việc xuất hàng diễn ra nhanh chóng, nên xin GCN xuất xứ hàng hóa ngay từ đầu.

Thủ tục xin chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Đối với thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ln đầu; hoặc cho sản phẩm mới xuất khẩu lần đầu; hoặc cho sản phẩm không cố định:

Bước 1: Đăng ký hồ sơ thương nhân

  • Đăng ký tại trang điện tử www.ecosys.gov.vn hoặc trang điện tử của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;
  • Nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền

Bước 2: Xin chứng nhận xuất xứ hàng hóa

  • Đăng ký tại trang điện tử www.ecosys.gov.vn hoặc trang điện tử của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (8 giờ làm việc);
  • Nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (8 giờ làm việc);
  • Nộp hồ sơ qua bưu điện (24 giờ làm việc kể từ khi cơ quan, tổ chức nhận được hồ sơ)

Đối với thương nhân sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cố định, từ lần đề nghị cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa thứ 2 trở đi, không cần làm Bước 1.

Chi tiết quy định tại Điều 13, Điều 15, Điều 16 Nghị định 31/2018/NĐ-CP

Các loại giấy chứng nhận khác mà công ty xuất khẩu nông sản có thể bị yêu cầu

Chứng nhận lưu hành tự do (CFS)

Trường hợp nước nhập khẩu yêu cầu nông sản phải có GCN lưu hành tự do thì phải thực hiện thủ tục này tại Bộ NN và PTNT.

  1. Hồ sơ bao gồm
    • 01 bản chính (Anh – Việt) văn bản đề nghị cấp CFS; phải có các nội dung như: tên hàng, mã HS , số chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm hoặc số đăng ký, số hiệu tiêu chuẩn (nếu có), thành phần hàm lượng hợp chất (nếu có), nước nhập khẩu;
    • 01 bản sao đóng dấu treo GCN đăng ký doanh nghiệp/ GCN đăng ký đầu tư;
    • 01 bản chính danh mục các cơ sở sản xuất (nếu có), bao gồm tên, địa chỉ của cơ sở, các mặt hàng sản xuất để xuất khẩu;
    • 01 bản sao đóng dấu treo GCN cơ sở đủ điều kiện ATVSTP (Giấy phép ATVSTP) của cơ sở sản xuất thuộc trường hợp phải xin cấp Giấy phép ATVSTP;
    • 01 bản sao đóng dấu treo bản tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa kèm theo cách thể hiện (trên nhãn hàng hóa hoặc trên bao bì hàng hóa hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa)
  2. Hình thức nộp hồ sơ: Trực tiếp hoặc qua đường bưu điện
  3. Thời gian thực hiện: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Bộ NN và PTNT có thể thực hiện thẩm định cơ sở sản xuất nông sản trong trường hợp việc kiểm tra hồ sơ là chưa đủ căn cứ.

Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm

Theo quy định trên, để được cấp CFS, phải cung cấp Giấy phép ATVSTP nếu cơ sở sản xuất thuộc trường hợp phải xin Giấy phép ATVSTP.

Tham khảo quy định tại Cấp Giấy chứng nhận ATVSTP cho hộ kinh doanh

Ngược lại nếu cơ sở sản xuất không thuộc trường hợp phải xin Giấy phép ATVSTP thì không cần cung cấp tài liệu này.

Các loại gấy phép không cần làm khi xuất khẩu nông sản

Giấy phép xuất khẩu hoặc xuất khẩu theo điều kiện

Theo quy định tại Phụ lục III Nghị định 69/2018/NĐ-CP; nông sản không thuộc danh mục hàng hóa phải xin giấy phép xuất khẩu; hoặc xuất khẩu theo điều kiện.

Cụ thể, một số hàng hóa như tiền chất công nghiệp, thuốc phải kiểm soát đặc biệt, …; khi xuất khẩu phải có giấy phép xuất khẩu. Hoặc một số hàng hóa như: giống cây trồng và giống vật nuôi quý hiếm; khi xuất khẩu phải đáp ứng điều kiện quy định tại Pháp lệnh Giống cây trồng và Pháp lệnh Giống vật nuôi.

Ưu đãi thuế xuất khẩu, thuế VAT khi xuất khẩu nông sản

Thuế xuất khẩu

Thuế xuất khẩu được xác định tùy thuộc vào loại hàng hóa xuất khẩu. Đối với xuất khẩu nông sản, mức thuế suất thường là 0% (lúa gạo, hạt điều, cà phê, chè, tiêu,…); hoặc không thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu (trái cây,…)

Thuế Giá trị Gia tăng (VAT)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC; sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC:

Điều 4. Đối tượng không chịu thuế:

“1. Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt; chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.
Các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, xay, xay bỏ vỏ, xát bỏ vỏ, tách hạt, tách cọng, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh (ướp lạnh, đông lạnh), bảo quản bằng khí sunfuro, bảo quản theo phương thức cho hóa chất để tránh thối rữa, ngâm trong dung dịch lưu huỳnh hoặc ngâm trong dung dịch bảo quản khác và các hình thức bảo quản thông thường khác.

Như vậy, nông sản theo mô tả trên đây thuộc đối tương không chịu thuế VAT; không phải kê khai và tính thuế GTGT theo quy định.

Trên đây là toàn bộ ý kiến tư vấn của Phạm Đỗ Law về Thành lập công ty xuất khẩu nông sản. Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực vào thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9

Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

0972599340