Thủ tục chuyển nhượng máy photocopy màu
Photocopy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vậy nếu không kinh doanh nữa tức thanh lý cửa hàng photocopy, hoặc nhượng cửa hàng photocopy thì người chịu trách nhiệm của cơ sở photo đã hết trách nhiệm chưa. Câu trả lời là chưa, vì nếu cơ sở có sử dụng máy photo màu hoặc máy in có chức năng photo màu thì còn phải thực hiện thủ tục chuyển nhượng máy photocopy màu. Pham Do Law xin tư vấn cụ thể cho Quý khách hàng cùng tham khảo.
Nội dung
Cơ sở pháp lý
- Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/06/2014 quy định về hoạt động in;
- Nghị định số 25/2018/NĐ-CP quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP;
- Thông tư số 03/2015/TT-BTTTT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều, khoản của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP.
Trường hợp thanh lý máy photocopy màu
Theo quy định tại Khoản 17, Điều 1, Nghị định số 25/2018/NĐ-CP thì khi Tổ chức, cá nhân sử dụng máy đã đăng ký, khi thanh lý máy photo màu hoặc máy in có chức năng photo màu đã qua sử dụng thì cơ sở sử dụng phải có văn bản thông báo đến Sở Thông tin và Truyền thông nơi đã đăng ký máy, đồng thời giấy xác nhận đăng ký máy sẽ hết hiệu lực. Lúc này, cơ sở sử dụng máy photo màu mới hết trách nhiệm và không phải chịu rủi ro sau này.
Trường hợp chuyển nhượng máy photocopy màu
Khi sang tiệm photocopy mà có cả máy photo màu thì cả bên mua và bên bán đều phải lưu ý thực hiện thủ tục chuyển nhượng máy photocopy màu. Trình tự thủ tục cho các bên như sau:
– Đối với bên bán máy
Bên bán máy phải thực hiện thủ tục xin xác nhận vào đơn chuyển nhượng sử dụng máy photocopy màu tại Sở Thông tin và truyền thông nơi cấp giấy xác nhận đã đăng ký sử dụng máy đó.
Hồ sơ xin xác nhận chuyển nhượng gồm:
- 2 Bản đơn đề nghị chuyển nhượng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu (Mẫu số 06 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 25/2018/NĐ-CP);
- 01 Bản sao có chứng thực giấy tờ đảm bảo tư cách pháp nhân của tổ chức, cá nhân được chuyển nhượng máy (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/ Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh/ Các giấy tờ chứng mình thành lập của các tổ chức khác);
- Bản chính giấy xác nhận đã đăng ký máy đó.
Cách thức nộp hồ sơ:
– Nộp và nhận kết quả trực tiếp tại Sở Thông tin và Truyền thông;
– Nộp qua hệ thống bưu chính;
Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp phép sẽ xác nhận vào đơn chuyển nhượng, trả lại 01 bản cho cơ quan, tổ chức đề nghị chuyển nhượng máy, 01 bản lưu hồ sơ và cập nhật thay đổi đăng ký máy trong dữ liệu quản lý, trường hợp không xác nhận phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
– Đối với bên mua máy
Sau khi ký hợp đồng mua bán máy photo màu thì phải thực hiện thủ tục đăng ký sử dụng máy tại Sở Thông tin và Truyền thông nơi sử dụng máy.
>> Xem thêm: Thủ tục đăng ký sử dụng máy photocopy màu
Lưu ý: Khi mua máy photo màu đã qua sử dụng thì bên mua phải yêu cầu bên bán cung cấp thì mới có thể đăng ký sử dụng được:
- Giấy xác nhận đăng ký sử dụng máy photo màu;
- Đơn chuyển nhượng sử dụng máy photocopy màu có dấu xác nhận của Sở thông tin truyền thông của nơi đăng ký sử dụng máy;
- Giấy phép nhập khẩu máy do Cục Xuất bản, In và Phát hành cấp; hoặc hợp đồng và hóa đơn mua máy
Trên đây là toàn bộ ý kiến tư vấn của Pham Do Law về thủ tục thủ tục chuyển nhượng máy photocopy màu. Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực vào thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.