Thủ tục công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động
Vấn đề môi trường tại nơi làm việc đang được dành được nhiều sự quan tâm từ người lao động. Để đảm bảo sức khỏe cho người lao động cũng như năng suất lao động của công ty, các doanh nghiệp cần lưu ý thực hiện Thủ tục công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động. Vậy thủ tục này được tiến hành như thế nào? Pham Do Law xin đưa ra ý kiến của mình đối với vấn đề này.
Nội dung
- 1 Cơ sở pháp lý
- 2 Quan trắc môi trường lao động là hoạt động gì?
- 3 Tổ chức hoạt động quan trắc môi trường lao động cần đáp ứng điều kiện gì?
- 4 Nguyên tắc thực hiện quan trắc môi trường lao động
- 5 Thành phần hồ sơ đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động
- 6 Quy trình công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động
- 6.1 Thẩm quyền giải quyết
- 6.2 Trình tự thủ tục công bố
- 6.3 Cách thức nộp hồ sơ
- 6.4 Thời gian giải quyết
- 6.5 Kết quả thực hiện
- 6.6 Lệ phí
- 6.7 Câu hỏi pháp lý thường gặp
- 6.8 Tra cứu công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động ở đâu?
- 6.9 Kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc quy định như thế nào?
- 6.10 Khi quan trắc lao động, cần lựa chọn tổ chức thực hiện như thế nào?
- 6.11 Dịch vụ tư vấn công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động của Pham Do Law
- 6.12 Khách hàng cần cung cấp
- 6.13 Phạm vi công việc
Cơ sở pháp lý
- Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015
- Nghị định 44/2016/NĐ-CP
- Nghị định 140/2018/NĐ-CP
Quan trắc môi trường lao động là hoạt động gì?
Khoản 10 Điều 3 Luật an toàn, vệ sinh lao động định nghĩa về quan trắc môi trường lao động.
Quan trắc môi trường lao động là việc thu thập số liệu, phân tích và đánh giá số liệu đo lường của các yếu tố trong môi trường lao động tại nơi làm việc để tiến hành các biện pháp giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe cũng như phòng, chống bệnh nghề nghiệp.
Tổ chức hoạt động quan trắc môi trường lao động cần đáp ứng điều kiện gì?
Điều 33 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 140/2018/NĐ-CP) đưa ra điều kiện cho tổ chức hoạt động quan trắc môi trường lao động:
Thứ nhất, đơn vị sự nghiệp hoặc doanh nghiệp cung ứng dịch vụ quan trắc môi trường lao động.
Thứ hai, có đủ nhân lực thực hiện hoạt động quan trắc môi trường lao động như sau:
– Người trực tiếp phụ trách quan trắc môi trường lao động có trình độ như sau:
+ Trình độ từ đại học trở lên thuộc lĩnh vực y tế, môi trường, hóa sinh;
+ Có tối thiểu 02 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quan trắc môi trường lao động; hoặc 03 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y học dự phòng;
+ Có chứng chỉ đào tạo về quan trắc môi trường lao động.
– Có ít nhất 05 người làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng trở lên; hoặc hợp đồng không xác định thời hạn có trình độ như sau:
+ Trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên thuộc các lĩnh vực y tế, môi trường, hóa sinh;
+ Có chứng chỉ đào tạo về quan trắc môi trường lao động.
Thứ ba, cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất, năng lực đạt yêu cầu tối thiểu:
a) Quan trắc yếu tố có hại trong môi trường lao động
Đảm bảo thực hiện được tối thiểu 70% yếu tố sau đây:
– Đo, thử nghiệm, phân tích tại hiện trường và trong phòng thí nghiệm các yếu tố vi khí hậu: nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió và bức xạ nhiệt;
– Đo, thử nghiệm, phân tích tại hiện trường và trong phòng thí nghiệm yếu tố vật lý: ánh sáng, tiếng ồn, rung theo giải tần, phóng xạ, điện từ trường, bức xạ tử ngoại;
– Đánh giá yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp: yếu tố vi sinh vật, gây dị ứng, mẫn cảm, dung môi;
– Đánh giá gánh nặng lao động và một số chỉ tiêu tâm sinh lý lao động Ec-gô-nô-my: Đánh giá gánh nặng lao động thể lực; đánh giá căng thẳng thần kinh tâm lý; đánh giá Ec-gô-nô-my vị trí lao động;
– Lấy mẫu, bảo quản, đo, thử nghiệm tại hiện trường và phân tích trong phòng thí nghiệm của bụi hạt, phân tích hàm lượng silic trong bụi, bụi kim loại, bụi than, bụi talc, bụi bông và bụi amiăng;
– Lấy mẫu, bảo quản, đo, thử nghiệm tại hiện trường và phân tích trong phòng thí nghiệm của các yếu tố hóa học tối thiểu bao gồm NOx, SOx, CO, CO2, dung môi hữu cơ (benzen và đồng đẳng – toluen, xylen), thủy ngân, asen, TNT, nicotin, hóa chất trừ sâu.b) Có kế hoạch và quy trình bảo quản, sử dụng an toàn, bảo dưỡng và kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị.
c) Có quy trình sử dụng, vận hành thiết bị lấy và bảo quản mẫu, đo, thử nghiệm và phân tích môi trường lao động.
d) Có trụ sở làm việc, đủ diện tích để bảo đảm chất lượng công tác quan trắc môi trường lao động, điều kiện phòng thí nghiệm phải đạt yêu cầu về chất lượng trong bảo quản, xử lý, phân tích mẫu;
đ) Trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân khi thực hiện quan trắc môi trường lao động;
e) Có biện pháp bảo đảm vệ sinh công nghiệp, an toàn phòng cháy, chữa cháy, an toàn sinh học, an toàn hóa học và tuân thủ nghiêm ngặt việc thu gom, vận chuyển bảo quản và xử lý chất thải.
Nguyên tắc thực hiện quan trắc môi trường lao động
Theo Điều 35 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP, thực hiện quan trắc phải đầy đủ yếu tố có hại; theo đúng kế hoạch giữa cơ sở lao động và tổ chức thực hiện quan trắc.
Quan trắc môi trường lao động cần được thực hiện trong thời gian cơ sở lao động đang tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc lấy mẫu phải theo phương phương pháp lấy mẫu cá nhân; vị trí có khả năng ảnh hưởng đến người lao động.
Đối với quan trắc môi trường lao động bằng phương pháp phát hiện nhanh khi kết quả có nghi ngờ, tổ chức quan trắc môi trường lao động lấy mẫu, phân tích bằng phương pháp phù hợp tại phòng xét nghiệm đủ tiêu chuẩn.
Yếu tố có hại cần quan trắc, đánh giá được bổ sung cập nhật trong Hồ sơ vệ sinh lao động trong ba trường hợp:
– Có thay đổi về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất hoặc khi thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở lao động mà có nguy cơ phát sinh yếu tố nguy hại mới đối với sức khỏe người lao động;
– Tổ chức quan trắc môi trường lao động đề xuất bổ sung;
– Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Người sử dụng lao động chi trả các chi phí quan trắc môi trường lao động cho tổ chức thực hiện.
Tổ chức quan trắc môi trường lao động báo cáo về yếu tố có hại mới được phát hiện, phát sinh tại cơ sở lao động mà chưa có quy định về giới hạn cho phép cho Bộ Y tế hoặc Sở Y tế.
Thành phần hồ sơ đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động
Theo Điều 34 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP, hồ sơ bao gồm:
– Văn bản đề nghị công bố đủ điều kiện thực hiện hoạt động quan trắc môi trường lao động;
– Hồ sơ công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động.
Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
Quy trình công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động
Thẩm quyền giải quyết
– Sở Y tế: đối với các tổ chức thuộc quản lý của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Bộ Y tế: đối với các tổ chức thuộc quản lý của các Bộ, ngành.
Trình tự thủ tục công bố
– Đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế:
- Bước 1. Tổ chức gửi hồ sơ đến Cục Quản lý môi trường y tế.
- Bước 2. Cục Quản lý môi trường y tế cấp cho tổ chức phiếu tiếp nhận hồ sơ.
- Bước 3.Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Quản lý môi trường y tế rà soát hồ sơ và công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Nếu tổ chức không đủ điều kiện, Cục Quản lý môi trường y tế trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
– Đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền của Sở Y tế:
- Bước 1. Tổ chức gửi hồ sơ đến Sở Y tế nơi tổ chức đặt trụ sở chính.
- Bước 2. Sở Y tế cấp cho tổ chức đề nghị công bố đủ điều kiện phiếu tiếp nhận hồ sơ.
- Bước 3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Y tế tiến hành rà soát hồ sơ và công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động trên cổng thông tin điện tử.
Nếu tổ chức không đủ điều kiện, Sở Y tế trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Cách thức nộp hồ sơ
– Đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế: Nộp trực tuyến.
– Đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền của Sở Y tế: Nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
Thời gian giải quyết
Cơ quan có thẩm quyền sẽ giải quyết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Kết quả thực hiện
Sở Y tế hoặc Bộ Y tế công bố trên cổng thông tin điện tử.
Nếu tổ chức không đủ điều kiện, Sở hoặc Bộ Y tế trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Lệ phí
Không có lệ phí cho thủ tục công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động.
Câu hỏi pháp lý thường gặp
Tra cứu công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động ở đâu?
Tra cứu công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường có thể thực hiện trên trang thông tin điện tử của các Sở Y tế hoặc Bộ Y tế, tùy từng trường hợp tổ chức được công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nào.
Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế: moh.gov.vn
Kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc quy định như thế nào?
Điều 18 Luật An toàn, vệ sinh lao động như sau:
Đối với yếu tố có hại được Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giới hạn tiếp xúc cho phép để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động thì người sử dụng lao động phải tổ chức quan trắc môi trường lao động để đánh giá yếu tố có hại ít nhất một lần trong một năm. Đơn vị tổ chức quan trắc môi trường lao động phải có đủ điều kiện về cơ sở, vật chất, trang thiết bị và nhân lực.
Đối với yếu tố nguy hiểm thì người sử dụng lao động phải thường xuyên kiểm soát, quản lý đúng yêu cầu kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và ít nhất một lần trong một năm phải tổ chức kiểm tra, đánh giá yếu tố này theo quy định của pháp luật.
Như vậy, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yêu tố có hại tại nơi làm việc phải được người sử dụng lao động thực hiện ít nhất 01 lần/năm.
Khi quan trắc lao động, cần lựa chọn tổ chức thực hiện như thế nào?
Tổ chức hoạt động quan trắc môi trường lao động cũng phải đáp ứng được những điều kiện tại Điều 33 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP. Do đó, người sử dụng lao động cần chọn các tổ chức có uy tín; có nguồn nhân lực có trình độ và kinh nghiệm; có địa chỉ trụ sở rõ ràng; cơ sở vật chất đạt chuẩn; có biện pháp đảm bảo vệ sinh, an toàn phòng cháy, chữa cháy và xử lý chất thải đúng quy định.
Dịch vụ tư vấn công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động của Pham Do Law
Khách hàng cần cung cấp
– Tổ chức thực hiện quan trắc môi trường lao động gửi thông tin cho Pham Do Law:
+ Văn bản đề nghị công bố đủ điều kiện thực hiện hoạt động quan trắc môi trường lao động;
+ Hồ sơ công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động;
– Người sử dụng lao động cung cấp thông tin về doanh nghiệp của mình cho Pham Do Law để được tư vấn lựa chọn tổ chức thực hiện quan trắc.
Phạm vi công việc
- Tư vấn tất cả các vấn đề liên quan đến việc xin cấp Giấy phép;
- Nhận tài liệu từ quý khách hàng;
- Soạn thảo hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, nhanh chóng;
- Trực tiếp nộp hồ sơ và làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Tư vấn, chuẩn bị các điều kiện để được cấp Giấy phép;
- Tham gia trong quá trình thẩm định hồ sơ, thẩm định thực tế tại cơ sở;
- Kiểm tra thông tin của quý khách và nhận kết quả;
- Nhận kết quả và gửi giấy phép theo đúng thỏa thuận;
- Tư vấn lựa chọn tổ chức thực hiện quan trắc môi trường lao động.
Trên đây là toàn bộ ý kiến tư vấn của Pham Do Law về Thủ tục công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động. Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực vào thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.
Luật sư Đỗ Thị Thu Hoài có hơn 7 năm kinh nghiệm tư vấn pháp lý doanh nghiệp và các thủ tục tuân thủ trong kinh doanh. Các lĩnh vực chuyên môn gồm:
– Luật Doanh nghiệp;
– Luật Đầu tư;
– Luật sở hữu trí tuệ;
– Luật lao động;
– Giải quyết tranh chấp về cổ đông, lao động, hợp đồng.