Thủ tục xin giấy phép quảng cáo phòng khám chữa bệnh chi tiết
Khi cần quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh, phòng khám phải có giấy phép. Thủ tục xin giấy phép quảng cáo phòng khám hiện được thực hiện như thế nào? Bài viết dưới đây Pham Do Law sẽ giới thiệu về quy định này.
Nội dung
- 1 Cơ sở pháp lý
- 2 Giấy phép quảng cáo phòng khám là gì?
- 3 Điều kiện để được cấp giấy phép quảng cáo phòng khám
- 4 Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép quảng cáo phòng khám
- 5 Quy trình thủ tục xin cấp giấy phép quảng cáo phòng khám
- 6 Câu hỏi pháp lý thường gặp
- 7 Dịch vụ xin giấy phép quảng cáo phòng khám của Pham Do Law
Cơ sở pháp lý
- Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009
- Luật quảng cáo 2012
- Nghị định 181/2013/NĐ-CP
- Thông tư số 09/2015/TT-BYT
Giấy phép quảng cáo phòng khám là gì?
Quảng cáo là một hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp.
Khoản 1 Điều 2 Luật Quảng cáo 2012 quy định khái niệm:
Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.
Vậy, giấy phép quảng cáo phòng khám là được cơ quan nhà nước xác nhận nội dung quảng cáo của mình.
Điều kiện để được cấp giấy phép quảng cáo phòng khám
Điều kiện chung
Hoạt động quảng cáo không được vi phạm 16 hành vi bị cấm tại Điều 8 Luật Quảng cáo 2012.
1. Quảng cáo những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều 7 của Luật này.
2. Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng.
3. Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
4. Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.
5. Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
6. Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật.
7. Quảng cáo xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân.
8. Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.
9. Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.
10. Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác.
11. Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
12. Quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
13. Quảng cáo vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.
14. Quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em.
15. Ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo hoặc tiếp nhận quảng cáo trái ý muốn.
16. Treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.
Về tiếng nói, chữ viết phải tuân thủ theo quy định tại Điều 18 Luật Quảng cáo 2012.
1. Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp sau:
a) Nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt;
b) Sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.
2. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài.
Điều kiện riêng
Bên cạnh những điều kiện chung, phòng khám cần có thêm những tài liệu sau:
1. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của phòng khám;
2. Tài liệu chứng minh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đạt hợp chuẩn, hợp quy;
3. Giấy chứng nhận quyền sở hữu/quyền sử dụng đối với các tài sản pháp luật quy định;
4. Đáp ứng các điều kiện cho dịch vụ khám, chữa bệnh:
– Nội dung quảng cáo phù hợp với giấy phép hoạt động của phòng khám;
– Nội dung quảng cáo phù hợp với chứng chỉ hành nghề của nhân sự hành nghề khám, chữa bệnh;
– Quảng cáo phải có những nội dung sau:
+ Tên phòng khám;
+ Địa chỉ phòng khám;
+ Phạm vi chuyên môn kỹ thuật chính ghi trong giấy phép hoạt động;
+ Hoặc phạm vi chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép quảng cáo phòng khám
Phòng khám cần chuẩn bị những hồ sơ sau để xin giấy phép phòng khám:
- Văn bản đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo;
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp;
- Nội dung đề nghị xác nhận quảng cáo;
- Mẫu nhãn sản phẩm.
- Giấy phép hoạt động của cơ sở thực hiện dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được quảng cáo;
- Chứng chỉ hành nghề của người thực hiện dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được quảng cáo.
Quy trình thủ tục xin cấp giấy phép quảng cáo phòng khám
Thẩm quyền cấp
- Tổ chức thuộc Bộ Y tế;
- Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm.
Đây là cơ quan nhà nước (CQNN) sẽ cấp giấy phép quảng cáo. Tùy vào nội dung cần xác nhận mà phòng khám nộp hồ sơ đến đúng CQNN đúng thẩm quyền giải quyết.
Trình tự thủ tục xin cấp giấy phép quảng cáo phòng khám
- Bước 1: Phòng khám nộp hồ sơ đến CQNN.
- Bước 2: Hồ sơ hợp lệ: CQNN ra văn bản xác nhận nội dung quảng cáo.
- Trường hợp từ chối cấp xác nhận thì phải ra văn bản kèm theo lý do từ chối.
- Hồ sơ cần bổ sung: đề nghị, thông báo cho cơ sở sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
- Bước 3: CQNN công bố trên website của mình về việc cấp xác nhận quảng cáo cho phòng khám.
Cách thức nộp hồ sơ
Phòng khám nộp hồ sơ trực tiếp đến CQNN.
Phí và lệ phí
Phí và lệ phí cấp giấy phép quảng cáo: 1.000.000 đồng.
Thời hạn giải quyết
Trong vòng 10 ngày làm việc, CQNN cấp giấy phép quảng cáo. Tính từ thời điểm nhận hồ sơ hợp lệ.
Trong vòng 05 ngày làm việc, CQNN ra thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Tính từ thời điểm nhận hồ sơ.
Câu hỏi pháp lý thường gặp
Tại sao thực hiện quảng cáo phòng khám phải có giấy phép này?
Phòng khám phải có giấy phép mới được thực hiện quảng cáo. Bởi vì:
- Đây là quy định pháp luật mà phòng khám phải tuân theo;
- CQNN quản lý được hoạt động quảng cáo trên thị trường;
- Tạo niềm tin, an tâm cho người bệnh khi đi khám, chữa bệnh tại phòng khám.
Giấy phép này có được sử dụng để quảng cáo cho tất cả các loại phòng khám?
Giấy phép này không được sử dụng để quảng cáo cho tất cả các loại phòng khám.
Điểm c, d khoản 1 Điều 12 TT09/2015/TT-BYT quy định:
c) Cục Quản lý khám, chữa bệnh cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp y học hiện đại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động, phê duyệt danh mục chuyên môn kỹ thuật;
d) Cục Quản lý y, dược cổ truyền cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động, phê duyệt danh mục chuyên môn kỹ thuật ;
Điểm b khoản 2 Điều 12 TT09/2015/TT-BYT quy định:
b) Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Giám đốc Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động, phê duyệt danh mục chuyên môn kỹ thuật.
Như vậy, đối với từng phòng khám với các dịch vụ khám chữa bệnh khác nhau sẽ được CQNN cấp giấy phép riêng.
Giấy phép này chỉ được sử dụng cho một lần quảng cáo hay những lần sau có được sử dụng lại không?
Giấy phép sẽ được sử dụng nhiều lần.
Giấy phép quảng cáo sẽ không còn hiệu lực trong các trường hợp tại khoản 6 Điều 23 TT09/2015/TT-BYT
6. Các trường hợp hết hiệu lực sử dụng của giấy xác nhận nội dung quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh:
a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị thu hồi giấy phép hoạt động hoặc đình chỉ hoạt động;
b) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
c) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp lại giấy phép hoạt động do thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn có liên quan đến dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được quảng cáo.
Như vậy, giấy phép được sử dụng lại cho những lần sau.
Dịch vụ xin giấy phép quảng cáo phòng khám của Pham Do Law
Khách hàng cần cung cấp
- Cung cấp các giấy phép kinh doanh, giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh, chứng chỉ hành nghề;
- Nội dung phòng khám cần quảng cáo;
- Tài liệu liên quan đến dịch vụ phòng khám cần quảng cáo;
- Các hồ sơ khác theo yêu cầu.
Phạm vi công việc
- Tư vấn pháp luật quảng cáo phòng khám;
- Thực hiện hồ sơ xin cấp giấy xác nhận quảng cáo;
- Bàn giao giấy xác nhận cho khách hàng theo đúng thỏa thuận.
Trên đây là toàn bộ ý kiến tư vấn của Pham Do Law về Trình tự thủ tục xin giấy phép quảng cáo phòng khám. Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực vào thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.