Điều kiện, hồ sơ thủ tục cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền
Nghị định 155/2018/NĐ-CP hiện hành đã có những quy định cụ thể về việc cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền. Các cá nhân có nhu cầu có thể tìm hiểu về thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục và những vấn đề khác trong Nghị định này. Tuy nhiên, vẫn có không ít cá nhân gặp vấn đề trong việc chuẩn bị các giấy tờ cho hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận. Vậy Điều kiện để được xét duyệt cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền cụ thể như thế nào? Pham Do Law xin đưa ra ý kiến của mình đối với vấn đề này.
Nội dung
- 1 Cơ sở pháp lý
- 2 Bài thuốc gia truyền là gì?
- 3 Điều kiện để được cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền
- 4 Hồ sơ xin cấp để được xét duyệt
- 5 Thủ tục xin xét duyệt cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền
- 6 Lưu ý trong quy trình xin cấp để được xét duyệt
- 7 Câu hỏi pháp lý thường gặp
- 8 Dịch vụ xin cấp giấy chứng nhận bàn thuốc gia truyền của Pham Do Law
Cơ sở pháp lý
- Luật khám, chữa bệnh 2009
- Nghị định 109/2016/NĐ-CP
- Nghị định 155/2018/NĐ-CP
- Nghị định 54/2017/NĐ-CP
Bài thuốc gia truyền là gì?
Khoản 9 Điều 2 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 đã định nghĩa:
“Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền là người sở hữu bài thuốc hoặc phương pháp chữa bệnh theo kinh nghiệm lâu đời do dòng tộc, gia đình truyền lại, điều trị có hiệu quả đối với một hoặc vài bệnh, chứng nhất định được Sở Y tế công nhận sau khi có ý kiến của Hội đông y cấp tỉnh.”
Như vậy, có thể hiểu bài thuốc gia truyền là bài thuốc có nguồn gốc từ kinh nghiệm lâu đời được truyền lại trong dòng tộc, gia đình. Bài thuốc này phải được Hội đông y cấp tỉnh xem xét và được Sở Y tế công nhận có hiệu quả điều trị đối với một hoặc vài bệnh, chứng nhất định.
Điều kiện để được cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền
Điều kiện về chủ thể sở hữu bài thuốc
Căn cứ theo Điều 4 Quyết định 39 /2007/QĐ-BYT, chủ thể xin cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền cần thỏa mãn những điều kiện sau:
- Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
- Có quyền thừa kế bài thuốc gia truyền theo quy định của pháp luật;
- Biết cụ thể chính xác các vị thuốc và thành phần bài thuốc; cách bào chế, cách sử dụng, liều dùng, đường dùng, chỉ định, chống chỉ định và chẩn đoán bệnh.
- Được chính quyền địa phương chứng nhận là người được dòng tộc; gia đình có bài thuốc gia truyền lâu năm, có hiệu quả điều trị một bệnh nhất định; được nhân dân trong vùng tín nhiệm; đồng thời không có sự tranh chấp dân sự liên quan đến bài thuốc đó.
Điều kiện cụ thể về yêu cầu của bài thuốc
Căn cứ theo Khoản 9 Điều 2 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009, bài thuốc cần thỏa mãn những điều kiện sau để được chứng nhận là bài thuốc gia truyền:
- Có nguồn gốc lâu đời; được truyền lại trong dòng tộc, gia đình;
- Được Hội đông y cấp tỉnh và Sở Y tế công nhận có hiệu quả điều trị một vài loại bệnh, chứng nhất định.
Hồ sơ xin cấp để được xét duyệt
Để chuẩn bị bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cần lưu ý những vấn đề sau:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận và Bản thuyết minh về bài thuốc gia truyền phải đúng theo Mẫu số 01 và Mẫu số 02 Phụ lục XV Nghị định 155/2018/NĐ-CP;
- Các thông tin ghi trên giấy tờ phải rõ ràng, chính xác;
- Yêu cầu đối với giấy khám sức khỏe: thời hạn của giấy không được quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.
- Yêu cầu đối với ảnh nộp trong hồ sơ:
- Kích thước ảnh 4 x 6 cm;
- Chụp theo hình thức như ảnh CMND/CCCD (ảnh màu, nền trắng);
- Ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.
Thủ tục xin xét duyệt cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền
Bước 1:
- Cá nhân chuẩn bị hồ sơ hoàn thiện và đầy đủ. Cần kiểm tra hồ sơ cẩn thận trước khi nộp;
- Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ, cá nhân nộp 01 bản hồ sơ về cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền trả Phiếu tiếp nhận hồ sơ;
Lưu ý: Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, cá nhân có thể nhờ đến sự trợ giúp của nhân viên của cơ quan có thẩm quyền hoặc các bên có dịch vụ tư vấn uy tín.
Bước 2:
Trường hợp hồ sơ hợp lệ:
Trong vòng 10 ngày làm việc, cơ quan gửi hồ sơ đến Hội Đông y tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi cá nhân cư trú để xin ý kiến.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ:
- Trong 05 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền gửi thông báo bằng văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung;
- Khi hồ sơ đã hợp lệ, cơ quan gửi hồ sơ đến Hội Đông y tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi cá nhân cư trú để xin ý kiến (Thời hạn 10 ngày tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ).
Lưu ý: Khi nhận được văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ; cá nhân cần thực hiện sửa đổi, bổ sung trong khoảng thời gian sớm nhất có thể. Vì nếu cá nhân không thực hiện sửa đổi, bổ sung trong vòng 60 ngày thì hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận không còn giá trị; tức là xem như không nộp hồ sơ.
Bước 3:
- Trong vòng 30 ngày (tính từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến), Hội Đông y tỉnh có trách nhiệm gửi văn bản trả lời cho cơ quan có thẩm quyền;
- Sau khi nhận được văn bản trả lời, cơ quan có thẩm quyền tổ chức họp Hội đồng để thẩm định.
Bước 4:
- Trong vòng 10 ngày làm việc (tính từ ngày có biên bản Họp hội đồng thẩm định), cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho cá nhân nộp hồ sơ;
- Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận; cơ quan có thẩm quyền phải trả lời rõ lý do bằng văn bản.
Cách thức nộp hồ sơ
Có 2 cách thức nộp hồ sơ:
- Nộp qua dịch vụ bưu chính;
- Nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền.
Hiện nay, cá nhân có nhu cầu xin cấp Giấy chứng nhận không cần phải đến tận cơ quan có thẩm quyền. Để tiết kiệm thời gian và công sức đi lại; cá nhân có thể nộp hồ sơ qua đường bưu điện. Trình tự thủ tục giải quyết hồ sơ theo hai cách nộp này là hoàn toàn giống nhau.
Thời hạn giải quyết
- Thời hạn giải quyết của thủ tục này là 60 ngày (tính từ ngày nộp đầy đủ hồ sơ).
- Thời hạn này áp dụng cho cả hai cách thức nộp hồ sơ trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính.
Lưu ý trong quy trình xin cấp để được xét duyệt
Xin cấp đúng cơ quan có thẩm quyền
Khoản 3 Điều 45b Nghị định 155/2018/NĐ-CP quy định về cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận như sau:
“Giám đốc Sở Y tế tỉnh cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền.”
Như vậy, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền là Sở Y tế tại địa phương nơi bài thuốc được công nhận. Cá nhân có nhu cầu cần nộp hồ sơ đúng Sở Y tế cấp tỉnh nơi mình đang cư trú.
Ví dụ: Anh A hiện đang sinh sống tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình được dòng tộc truyền lại một bài thuốc chữa bệnh chàm. Khi có nhu cần xin cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền, anh nộp hồ sơ tại Sở Y tế tỉnh Quảng Bình.
Câu hỏi pháp lý thường gặp
Ảnh trong hồ sơ có bắt buộc phải là nền trắng không?
Điểm b khoản 2 Điều 45b Nghị định 155/2018/NĐ-CP quy định về thành phần hồ sơ. Trong đó, yêu cầu về ảnh trong hồ sơ là “Hai ảnh 4 x 6 cm, ảnh màu, nền trắng, trong thời gian không quá 06 tháng tính đến ngày nộp đơn”.
Như vậy, ảnh trong hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận bắt buộc phải là nền trắng
Xác nhận của địa phương cần bao nhiêu người thì đạt yêu cầu?
Điều 4 Quyết định 39 /2007/QĐ-BYT có quy định về việc xác nhận tại địa phương. Theo đó, bài thuốc cần phải:
“Được chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn) chứng nhận là người được dòng tộc, gia đình có bài thuốc gia truyền lâu năm, có hiệu quả điều trị một bệnh nhất định, được nhân dân trong vùng tín nhiệm và không có sự tranh chấp dân sự về bài thuốc đó đồng ý truyền cho.”
Bên cạnh đó, căn cứ vào điểm b khoản 4 Điều 7 của Quyết định này liên quan đến vấn đề xác nhận của địa phương, cần có danh sách tối thiểu 100 người trở lên đã điều trị có hiệu quả bằng bài thuốc gia truyền này.
Như vậy, ta có thể hiểu rằng pháp luật không quy định về số lượng người địa phương xác nhận; chỉ yêu cầu danh sách tối thiểu 100 người bệnh đã điều trị hiệu quả (đầy đủ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ, nghề nghiệp, chẩn đoán, thời gian và kết quả điều trị). Cá nhân chỉ cần chứng minh bằng cách có được chứng nhận của chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn). Đây mới là căn cứ để xác minh tính xác thực và hiệu quả của bài thuốc gia truyền tại địa phương.
Nếu không có giấy chứng nhận này thì sao? Có bị phạt không? Nếu không bị phạt thì có thể xin giấy phép khác thay thế hay không?
Điều 5 Quyết định 39 /2007/QĐ-BYT có quy định về phạm vi sử dụng của Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền như sau:
“1. Người có “Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền” được đăng ký hành nghề tại nơi cấp giấy chứng nhận và chỉ được đăng ký một trong hai hình thức hành nghề sau:
a) Khám, chữa bệnh bằng bài thuốc gia truyền.
b) Sản xuất, kinh doanh bằng bài thuốc gia truyền, nhưng phải tiến hành thủ tục đăng ký theo quy định của Bộ Y tế.
2. Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền không được chuyển nhượng, mua bán hoặc cho thuê.
3. Người có bài thuốc gia truyền chỉ được phép hành nghề khi được cơ quan chức năng cấp chứng chỉ hành nghề và giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề.”
Theo đó, cá nhân nếu muốn khám, chữa bệnh bằng thuốc gia truyền; hoặc sản xuất, kinh doanh loại thuốc này cần phải xin cấp Giấy chứng nhận; đồng thời phải có chứng chỉ hành nghề và thỏa mãn các điều kiện hành nghề.
Như vậy, Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền được xem như điều kiện bắt buộc; và không thể được thay thế bằng các loại giấy phép khác.
Dịch vụ xin cấp giấy chứng nhận bàn thuốc gia truyền của Pham Do Law
Khách hàng cần cung cấp
- Các tài liệu, thông tin cần thiết về bài thuốc gia truyền;
- Hai ảnh 4 x 6 cm, ảnh màu, nền trắng của khách hàng.
Phạm vi công việc
- Tư vấn các thủ tục liên quan đến việc xin cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền;
- Nhận tài liệu, thông tin từ quý khách hàng;
- Soạn thảo hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, nhanh chóng;
- Trực tiếp nộp hồ sơ và làm việc với cơ quan có thẩm quyền;
- Nhận kết quả và gửi Giấy chứng nhận theo đúng thỏa thuận.
Trên đây là toàn bộ ý kiến tư vấn của Pham Do Law về Điều kiện để được xét duyệt cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền. Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực vào thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.