Hướng dẫn mở chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam
Khi bạn muốn mở chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam thì đó sẽ là một thương vụ lớn đó. Vì chi nhánh đòi hỏi nhiều điều kiện và chịu sự quản lý khắt khe hơn so với việc bạn mở một VPDD. Pham Do Law sẽ hướng dẫn bạn cụ thể các quy định, thủ tục, điều kiện liên quan để bạn tự tin bước vào thị trường Việt Nam nhé.
Nội dung
- 1 Điều kiện mở chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam
- 2 Hồ sơ cần chuẩn bị mở chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam
- 3 Quy trình mở chi nhánh công ty nước ngoài tại việt nam
- 4 Chức năng của chi nhánh
- 5 Thời gian hoạt động
- 6 Các trường hợp không được mở chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam
- 7 Chế độ báo cáo định kỳ
Điều kiện mở chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam
- Một công ty nước ngoài không được thành lập nhiều hơn một Văn phòng đại diện hoặc Chi nhánh có cùng tên gọi trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công ty nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;
- Công ty mẹ đã thành lập ít nhất 05 năm;
- Nếu Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của công ty mẹ có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ;
- Nội dung hoạt động (ngành nghề kinh doanh, phạm vi hoạt động, quốc tịch của công ty mẹ) của Chi nhánh phải phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với ngành nghề kinh doanh của công ty mẹ; Trường hợp nếu không phù hợp thì việc thành lập Chi nhánh phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành.
Hồ sơ cần chuẩn bị mở chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh theo Mẫu MĐ-5 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 11/2016/TT-BCT do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký;
- Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của công ty mẹ (Bản sao hợp pháp hóa lãnh sự kèm bản dịch);
- Văn bản của công ty nước ngoài cử/bổ nhiệm người đứng đầu Chi nhánh (Giám đốc chi nhánh);
- Báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc văn bản xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc tài chính trong năm tài chính gần nhất hoặc giấy tờ có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi công ty nước ngoài thành lập cấp hoặc xác nhận, chứng minh sự tồn tại và hoạt động của công ty nước ngoài trong năm tài chính gần nhất (bản sao có hợp pháp hóa lãnh sự kèm bản dịch)
- Điều lệ hoạt động của Chi nhánh;
- Bản sao hộ chiếu hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (Bản sao có chứng thực nếu là người Việt Nam) hoặc bản sao hợp pháp hóa lãnh sự kèm bản dịch hộ chiếu (nếu là người nước ngoài) của người Giám đốc Chi nhánh;
- Tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Chi nhánh bao gồm:
– Bản sao biên bản ghi nhớ hoặc thỏa thuận thuê địa điểm hoặc bản sao tài liệu chứng minh công ty nước ngoài có quyền khai thác, sử dụng địa điểm để đặt trụ sở Chi nhánh;
– Bản sao tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Chi nhánh: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bên cho thuê: Bản sao có chứng thực; Gấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có chức năng kinh doanh bất động sản nếu bên cho thuê là doanh nghiệp: Bản sao có chứng thực; hoặc CMND/CCCD của chủ nhà nếu chủ nhà là cá nhân: bản sao có chứng thực.
Quy trình mở chi nhánh công ty nước ngoài tại việt nam
Bước 1: Nộp đơn xin cấp giấy phép thành lập chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
Hồ sơ nộp tại Bộ Công thương theo phương thức trực tiếp, qua bưu điện hoặc trực tuyến;
Thời gian xử lý hồ sơ khoảng 7 ngày làm việc. Trường hợp chi nhánh/ công ty mẹ có hoạt động các ngành nghề đặc thù không nằm trong cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam thông qua các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì sẽ phải mất thêm thời gian để cơ quan chức năng hỏi ý kiến các Cấp Bộ quản lý chuyên ngành.
Lệ phí nhà nước: 3.000.000 VNĐ/lần
Bước 2: Xin đăng ký mẫu dấu chi nhánh
Chi nhánh của công ty nước ngoài có con dấu. Con dấu của Chi nhánh công ty nước ngoài phải đăng ký tại Cơ quan cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội. Thủ tục được tiến hành như sau:
Chi Nhánh sẽ nộp hồ sơ gồm: Giấy đề nghị đăng ký mẫu dấu; Giấy phép hoạt động văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; CMND/CCCD của người nộp hồ sơ.
Sau thời gian 7 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ thì sẽ được cấp giấy chứng nhận sử dụng mẫu dấu;
Sau đó, Chi nhánh mới liên hệ với các đơn vị khắc dấu để làm con dấu.
Bước 3: Xin cấp mã số thuế cho chi nhánh và mã số thuế TNCN giám đốc chi nhánh
Khác với các Chi nhánh của công ty Việt Nam thì giấy phép thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài không có mã số thuế. Do đó Chi nhánh cần xin cấp mã số thuế.
Giám đốc chi nhánh là người sẽ được công ty nước ngoài trả lương và có phát sinh thu nhập tại Việt Nam. Do đó, Giám đốc chi nhánh cần phải xin cấp mã số thuế TNCN để tiện cho việc khai báo và nộp thuế TNCN.
Thời hạn hoàn thành: 05 -07 ngày làm việc.
Bước 4: Mở tài khoản ngân hàng
Mở tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ và bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ tại Ngân hàng nhận tiền từ công ty mẹ và sử dụng tài khoản này vào hoạt động của chi nhánh;
Chức năng của chi nhánh
Điều 31. Nội dung hoạt động của Chi nhánh
1. Chi nhánh hoạt động cung ứng dịch vụ trong các ngành dịch vụ, không bao gồm ngành dịch vụ mà việc thành lập Chi nhánh trong lĩnh vực đó được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.
2. Trường hợp Chi nhánh hoạt động trong các ngành, nghề mà pháp luật quy định phải có điều kiện thì Chi nhánh chỉ được hoạt động khi đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Thời gian hoạt động
Giấy phép thành lập chi nhánh công ty nước ngoài có thời hạn tối đa là 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy đăng ký kinh doanh của công ty mẹ hoặc giấy tờ có giá trị tương đương.
Ví dụ: Giấy phép kinh doanh của công ty mẹ chỉ có 1 năm thì thời hạn hoạt động của chi nhánh cũng không thể quá 1 năm. Hoặc hợp đồng thuê văn phòng của chi nhánh ở Việt Nam chỉ có 2 năm thì thời hạn hoạt động của chi nhánh cũng không thể quá 2 năm.
Hết thời hạn của giấy phép thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam thì có thể thực hiện thủ tục gia hạn giấy phép, thời gian gia hạn cũng sẽ tuân thủ quy định về thời hạn nên trên. Nếu không thì bạn có thể giải thể văn phòng đại diện nước ngoài.
Các trường hợp không được mở chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam
- Do không đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên;
- Công ty nước ngoài đề nghị cấp Giấy phép liền khi vẫn còn trong thời gian cấm không được mở chi nhánh 02 năm kể từ ngày Giấy phép bị thu hồi;
- Việc thành lập gây hại đến nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; gây ảnh hưởng trật tự xã hội, truyền thống, đạo đức của Việt Nam; tổn hại sức khoẻ của nhân dân, phá hoại tài nguyên và môi trường;
- Nộp hồ sơ đăng ký không hợp lệ và không bổ sung đầy đủ theo yêu cầu của Bộ công thương;
- Giám đốc chi nhánh đang là giám đốc của một công ty khác đã được thành lập ở Việt Nam.
Xem thêm: Thủ tục thành lập văn phòng đại diện công ty nước ngoài
Chế độ báo cáo định kỳ
- Trước ngày 30 tháng 01 hàng năm, Chi nhánh có trách nhiệm gửi báo cáo theo Mẫu BC-2 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 11/2026/TT-BCT về hoạt động của mình trong năm trước đó qua đường bưu điện tới Bộ Công Thương.
- Chi nhánh có nghĩa vụ báo cáo, cung cấp tài liệu hoặc giải trình những vấn đề có liên quan đến hoạt động của mình theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
- Đồng thời Chi nhánh cũng phải báo cáo định kỳ về việc sử dụng người lao động tại chi nhánh cho Sở Lao động thương binh và xã hội.
Trên đây là toàn bộ ý kiến tư vấn của Pham Do Law về Thủ tục mở chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam. Các nội dung tư vấn/văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi; hết hiệu lực vào thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.