Phê duyệt quỹ tiền lương
Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Hoạt động của các doanh nghiệp này được nhà nước quản lý và giám sát một cách chặt chẽ. Theo đó, một số hoạt động của công ty 100% vốn nhà nước cần được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Sau đây, Pham Do Law xin chia sẻ với quý khách hàng về thủ tục Phê duyệt quỹ tiền lương đối với người quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Nội dung
- 1 Cơ sở pháp lý
- 2 Quỹ tiền lương là gì?
- 3 Cách xác định quỹ tiền lương của người quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
- 4 Những yếu tố nào gây ảnh hưởng đến việc xác định tiền lương, thù lao của người quản lý?
- 5 Thẩm quyền phê duyệt quỹ tiền lương
- 6 Thủ tục phê duyệt quỹ tiền lương
- 7 Một số quy định về việc trả tiền lương cho người quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Cơ sở pháp lý
- Nghị định 52/2016/NĐ-CP Quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
- Thông tư 27/2016/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Quỹ tiền lương là gì?
Quỹ tiền lương của doanh nghiệp là toàn bộ tiền lương của doanh nghiệp trả cho tất cả các loại lao động thuộc doanh nghiệp quản lý và sử dụng. Thành phần quỹ lương thuộc doanh nghiệp bao gồm các khoản chủ yếu như: tiền lương, các loại phụ cấp, các khoản tiền thưởng…Ngoài ra, trong quỹ tiền lương kế hoạch còn được tính cả khoản tiền chi trợ cấp bảo hiểm xã hội cho công nhân viên trong thời gian ốm đau, thai sản, tai nạn lao động…
Cách xác định quỹ tiền lương của người quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Người quản lý công ty 100% vốn nhà nước
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 52/2016/NĐ-CP; người quản lý công ty 100% vốn nhà nước bao gồm:
“1. Người quản lý công ty chuyên trách và người quản lý công ty không chuyên trách, bao gồm: Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty; Thành viên Hội đồng thành viên; Trưởng ban kiểm soát; Kiểm soát viên; Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng (không bao gồm Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng làm việc theo hợp đồng lao động).”
Lưu ý:
Quy định về thủ tục phê duyệt quỹ tiền lương của người quản lý chỉ được áp dụng đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Căn cứ theo Điều 1 Nghị định 52/2016/NĐ-CP; công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm:
- Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước; công ty mẹ của tổng công ty nhà nước; công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con;
- Công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Cách xác định quỹ tiền lương của người quản lý công ty 100% vốn nhà nước
Quỹ tiền lương, thù lao của người quản lý công ty được xác định theo năm; tách riêng với quỹ tiền lương của người lao động; do công ty xây dựng và trình chủ sở hữu phê duyệt. Hàng tháng, người quản lý công ty được tạm ứng bằng 80% của số tiền lương, thù lao tạm tính cho tháng đó; số 20% còn lại được quyết toán và chi trả vào cuối năm.
Quỹ tiền lương của người quản lý công ty bao gồm quỹ tiền lương kế hoạch và quỹ tiền lương thực hiện.
Cách xác định quỹ tiền lương kế hoạch
Quỹ tiền lương kế hoạch của người quản lý chuyên trách căn cứ vào hai cơ sở sau:
1. Số người quản lý công ty chuyên trách;
2. Mức tiền lương bình quân kế hoạch: được xác định trên cơ sở mức tiền lương cơ bản; và hệ số tăng thêm gắn với mức tăng lợi nhuận kế hoạch so với thực hiện của năm trước liền kề được quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 52/2016/NĐ-CP.
Quỹ thù lao kế hoạch của người quản lý công ty không chuyên trách được xác định dựa trên cơ sở:
1. Số người quản lý công ty không chuyên trách;
2. Thời gian làm việc;
Lưu ý: Mức thù lao này không vượt quá 20% tiền lương của người quản lý công ty chuyên trách;
Cách xác định quỹ tiền lương thực hiện
Quỹ tiền lương thực hiện của người quản lý chuyên trách được căn cứ theo các cơ sở sau:
1. Số người quản lý công ty chuyên trách
2. Mức tiền lương bình quân kế hoạch gắn với mức độ thực hiện các chỉ tiêu quy định tại Điều 5 Nghị định này. Trường hợp lợi nhuận thực hiện vượt lợi nhuận kế hoạch; cứ vượt 1% lợi nhuận, người quản lý công ty được tính thêm tối đa 1% tiền lương; nhưng không quá 20% mức tiền lương bình quân kế hoạch.
Quỹ thù lao thực hiện của người quản lý công ty không chuyên trách được xác định dựa trên cơ sở:
1. Số người quản lý công ty không chuyên trách;
2. Thời gian làm việc;
Lưu ý: Mức thù lao này không vượt quá 20% tiền lương của người quản lý công ty chuyên trách;
Những yếu tố nào gây ảnh hưởng đến việc xác định tiền lương, thù lao của người quản lý?
Khoản 1 Điều 13 Thông tư 27/2016/TT-BLĐTBXH đã quy định những yếu tố khách quan để xác định tiền lương, thù lao. Đó là những yếu tố khách quan ảnh hưởng đến năng suất lao động và lợi nhuận của công ty, bao gồm:
“a) Nhà nước điều chỉnh giá (đối với sản phẩm, dịch vụ do Nhà nước định giá), ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng hoặc giảm vốn nhà nước, điều chỉnh cơ chế chính sách hoặc yêu cầu công ty di dời, thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ tiêu năng suất lao động và lợi nhuận của công ty.
b) Công ty tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, cân đối cung cầu cho nền kinh tế theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện việc tiếp nhận hoặc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với doanh nghiệp tái cơ cấu, xử lý và tái cơ cấu nợ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đầu tư mới (kể cả mua bán nợ, chuyển nợ thành vốn góp tái cơ cấu doanh nghiệp), mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng khấu hao để thu hồi vốn nhanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chênh lệch trả thưởng so với thực hiện năm trước đối với công ty kinh doanh xổ số.
c) Thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh và các nguyên nhân khách quan bất khả kháng khác.”
Thẩm quyền phê duyệt quỹ tiền lương
Căn cứ theo khoản 3 Điều 9 Nghị định 52/2016/NĐ-CP; thẩm quyền phê duyệt quỹ tiền lương thuộc về cơ quan đại diện chủ sở hữu công ty.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu được quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định này như sau:
“2. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với công ty (sau đây gọi chung là cơ quan đại diện chủ sở hữu).”
Thủ tục phê duyệt quỹ tiền lương
Trình tự thực hiện
Bước 1:Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty xác định quỹ tiền lương, thù lao thực hiện, quỹ tiền thưởng năm trước; quỹ tiền lương, thù lao kế hoạch của người quản lý vào quý I hằng năm. Sau đó báo cáo cho cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Bước 2: Cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt quỹ tiền lương, thù lao, quỹ tiền thưởng thực hiện năm trước; quỹ tiền lương, thù lao kế hoạch.
Hồ sơ cần chuẩn bị
1. Tờ trình đề nghị phê duyệt quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng của người quản lý công ty.
2. Báo cáo xác định quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng thực hiện năm trước; kế hoạch năm của người quản lý; (Biểu mẫu số 1 Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH);
3. Tổng hợp tiền lương, thù lao, tiền thưởng; thu nhập bình quân hàng tháng năm trước liền kề của từng người quản lý công ty; kèm số liệu theo Biểu mẫu số 2 Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH;
4. Văn bản thuyết minh về việc tính toán, xác định quỹ tiền lương, thù lao thực hiện; xác định quỹ tiền lương, thù lao kế hoạch của người quản lý;
5. Báo cáo tài chính năm trước liền kề.
Thời hạn giải quyết
30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Lệ phí Nhà nước
Thủ tục này không yêu cầu đóng phí
Một số quy định về việc trả tiền lương cho người quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Trả lương cho trường hợp kiêm nhiệm hai chức danh
Căn cứ theo khoản 6 Điều 4 Nghị định 52/2016/NĐ-CP; trường hợp người quản lý kiêm nhiệm hai chức danh thì chỉ được nhận tiền lương của một chức danh cao nhất.
Ví dụ: Người quản lý giữ chức vụ Chủ tịch công ty kiêm Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc thì chỉ được nhận tiền lương của chức danh Chủ tịch công ty.
Ai là người chi trả tiền lương
Bản chất của công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ vẫn là một doanh nghiệp. Vì thế, mối quan hệ giữa công ty và người lao động vẫn được xây dựng trên cơ sở người sử dụng lao động – người lao động. Như vậy, chính công ty sẽ chi trả tiền lương cho người quản lý.
Quy chế trả lương cho người quản lý công ty 100% vốn nhà nước
Quy chế trả lương do người quản lý do công ty xây dựng dựa trên các cơ sở sau:
- Mức độ đóng góp vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh; kết quả quản lý, điều hành hoặc kiểm soát của người quản lý;
- Đảm bảo quy định của pháp luật, dân chủ, công khai, minh bạch;
- Có sự tham gia của Ban Chấp hành công đoàn công ty;
- Có ý kiến chấp thuận của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Trên đây là toàn bộ ý kiến tư vấn của Pham Do Law về vấn đề Phê duyệt quỹ tiền lương. Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực vào thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.