Pham Do LawPham Do LawPham Do Law
0

Thành lập công ty đấu giá

Hiện nay, đấu giá tài sản được xem là một bước thuộc quy trình hậu tố tụng. Mục đích chính của đấu giá tài sản trên thực tế nhằm thanh lý các tài sản theo quy định của pháp luật. Trên thực tiễn hiện nay, các hoạt động đấu giá thường thông qua các doanh nghiệp đấu giá hoặc trung tâm đấu giá tài sản. Vậy, thành lập công ty đấu giá gồm thủ tục trình tự gì? Hồ sơ ra sao? Trình tự diễn ra một cuộc đấu giá diễn ra như thế nào? PHAM DO LAW xin được giới thiệu đến quý độc giả qua bài viết dưới đây.

Nội dung

Điều kiện hoạt động công ty đấu giá tài sản

Theo quy định của Pháp luật hiện hành, để thành lập công ty đấu giá, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:

Điều kiện hoạt động chung của doanh nghiệp đấu giá

Đối với doanh nghiệp tư nhân, để thành lập công ty đấu giá thì chủ doanh nghiệp phải là đấu giá viên. Và chủ doanh nghiệp tư nhân đó đồng thời cũng là Giám đốc doanh nghiệp tư nhân.

Đối với hình thức công ty hợp danh, pháp luật quy định phải có ít nhất một thành viên hợp danh là đấu giá viên. Đồng thời, người giữ chức vụ Tổng giám đốc, giám đốc của công ty hợp danh phải là đấu giá viên.

Về cơ sở vật chất, doanh nghiệp đấu giá phải có trụ sở, các cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho hoạt động đấu giá.

Điều kiện về cơ sở vật chất của công ty đấu giá tài sản

Đối với trụ sở công ty: Công ty đấu giá phải có trụ sở rõ ràng. (địa chỉ phải đầy đủ 4 cấp gồm: đường; xã (phường, thị trấn); huyện (quận, thị xã); tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương). Ngoài ra trụ sở phải có thông tin liên hệ gồm: số điện thoại; số fax; thư điện tử… Có địa điểm bán hồ sơ đấu giá rõ ràng, công khai, thuận tiện. Hiện nay việc mua hồ sơ đấu giá phải tiến hành trực tiếp tại công ty đấu giá. Trừ trường hợp bất khả kháng.

Công ty đấu giá phải có các trang thiết bị đấu giá cần thiết gồm: Phòng đấu giá, máy in, máy vi tính, máy chiếu, thùng đựng phiếu trả giá (đối với hình thức bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá; bỏ phiếu gián tiếp), bảo mật và các phương tiện khác bảo đảm cho việc đấu giá, bảng mã số người mua tài sản đấu giá.

Điều kiện về đấu giá viên

Đấu giá viên là người có nghiệp vụ, chuyên môn về đấu giá. Được pháp luật công nhận và cho phép hành nghề đấu giá.

Để trở thành đấu giá viên, công dân Việt Nam cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như sau:

Về nhân thân

Trước hết, về quốc tịch, Đấu giá viên phải là Công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt. Theo quy định này, khái niệm Công dân Việt Nam được hiểu là người có quốc tịch Việt Nam. Có thể là người có nhiều quốc tịch nhưng trong đó phải có một quốc tịch là Việt Nam.

Trong quy định của Luật đấu giá tài sản 2016, phẩm chất đạo đức tốt được hiểu là đang không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xoá án tích. Không bị kỷ luật theo hình thức sa thải hoặc đuổi việc. Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề. Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; cơ sở giáo dục bắt buộc theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, một số trường hợp đặc biệt liên quan đến vấn đề phẩm chất đạo đức sẽ được xem xét và lấy ý kiến của Bộ Tư pháp.

Ngoài ra, đấu giá viên phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Không được là sĩ quan, quân nhân thuộc ngành Quân đội hoặc Công An. Đấu giá viên không được là viên chức, công chức.

Yêu cầu về bằng cấp 

Để trở thành đấu giá viên và được đào tạo nghề đấu giá. Công dân Việt Nam cần phải có bằng cử nhân; hoặc trên đại học thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng.

Lưu ý rằng, các bằng cấp được liệt kê trên đây bao gồm cả bằng cấp được cấp bởi chính quyền Việt Nam Cộng Hoà (trước 1975). Ngoài ra, Bộ Tư pháp còn công nhận bằng do các trường Đại học tại Nước ngoài cấp đối với các ngành đã nêu. Trong trường hợp đặc biệt có liên quan đến chuyên ngành đào tạo, thẩm quyền cấp bằng,… Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ cho ý kiến công nhận hoặc từ chối bằng văn bản.

Tốt nghiệp khoá đào tạo nghề đấu giá 

Đấu giá viên phải trải qua Đào tạo nghề và phải được cấp chứng nhận tốt nghiệp nghề đấu giá. Cho đến thời điểm hiện tại, Học viện Tư Pháp thuộc Bộ tư pháp là cơ sở duy nhất đào tạo nghề đấu giá. Thời gian được đào tạo nghề đấu giá viên là 6 tháng. Người đã đáp ứng các tiêu chí về nhân thân và bằng cấp có thời gian công tác trong lĩnh vực đào tạo 03 năm sẽ được tham gia đào tạo Đấu giá viên. Sau khi tham gia đào tạo, người đạt tiêu chuẩn sẽ được cấp chứng nhận đào tạo hành nghề đấu giá.

Ngoài ra, Pháp luật cũng quy định đối với các trường hợp được miễn đào tạo đấu giá viên bao gồm:

Thứ nhất, người đã hành nghề từ 02 năm trở lên đối với các chức danh luật sư; quản tài viên; công chứng viên; thừa phát lại; trọng tài viên;

Thứ hai là người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên. Trường hợp này không quy định về thâm niên cũng như cấp bậc.

Đạt yêu cầu về tập sự hành nghề đấu giá

Theo quy định tại Luật Đấu giá tài sản 2016, người đã tốt nghiệp khoá đào tạo nghề đấu giá và người được miễn đào tạo hành nghề đấu giá sẽ được tập sự hành nghề đấu giá. Thời gian tập sự đấu giá là 06 tháng tính từ thời điểm cơ sở Đấu giá lập danh sách và gửi đến Bộ tư Pháp. Sau khi tập sự nghề đấu giá, người hoàn thành được kiểm tra tập sự hành nghề đấu giá. Chi tiết về tập sự hành nghề đấu giá và kiểm tra tập sự được quy định tại Điều 13 Luật Đấu giá tài sản 2016.

Sau khi đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nêu trên, người đạt đủ yêu cầu gửi hồ sơ đến Bộ Tư pháp và được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá viên. Thời gian giải quyết 15 ngày kể từ nhận được hồ sơ hợp lệ. Hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề được quy định tại Điều 14 Luật Đấu giá tài sản 2016.

Hình thức của doanh nghiệp đấu giá tài sản

Hiện nay, có Tổ chức đấu giá tài sản được tổ chức dưới 2 loại hình:

Thứ nhất là Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản do Uỷ ban nhân dân Cấp Tỉnh thành lập. Trung tâm đấu giá tài sản là đơn vị sự nghiệp Công lập do Sở Tư pháp quản lý. Trong phạm vi bài viết, PHAM DO LAW sẽ không đề cập đến loại hình này.

Thứ hai là Doanh nghiệp đấu giá tài sản. Doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập dưới hai hình thức là Doanh nghiệp tư nhân và Công ty Hợp danh. Trước đây, Công ty Đấu giá từng xuất hiện loại hình công ty Trách nhiệm hữu hạn. Tuy nhiên với mục tiêu hoạt động vì lợi ích xã hội và hạn chế các rủi ro do hoạt động đấu giá tài sản gây ra. Luật Đấu giá tài sản 2016 nay chỉ còn quy định công ty Đấu giá tài sản chỉ tồn tại dưới hình thức Công ty hợp danh và Doanh nghiệp tư nhân.

Công ty Đấu giá tài sản trong tên phải có cụm từ “doanh nghiệp đấu giá tư nhân”; hoặc “công ty đấu giá hợp danh”. Ví dụ: Doanh nghiệp Đấu giá Tư nhân tư nhân Quốc Tế; Công ty Đấu giá Hợp danh Bến Thành;…

Câu hỏi đặt ra là, liệu doanh nghiệp đấu giá tồn tại như vậy có quá rủi ro khi phải chịu trách nhiệm tài sản vô hạn? Đối với vấn đề này PHAM DO LAW xin phép trả lời như sau: Khi tham gia vào doanh nghiệp đấu giá; Đấu giá viên được tham gia Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Đây là cơ sở giúp hạn chế tối đa rủi ro đối với doanh nghiệp đấu giá.

Thủ tục thành lập

Bước 1. Sau khi đã ứng đủ các điều kiện về hoạt động đã nêu trên. Doanh nghiệp đấu giá nộp hồ sơ đến Sở Tư Pháp nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

Bước 2. Sau khi đã nhận đầy đủ Hồ sơ hợp lệ. Sở Tư pháp nơi nhận hồ sơ sẽ cấp giấy phép đăng ký hoạt động cho Doanh nghiệp Đấu giá. Thời gian giải quyết là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp bị từ chối cấp phép, Sở Tư pháp sẽ trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do từ chối.

Bước 3. Khi đã nhận được cấp phép hoạt động. Doanh nghiệp đấu giá được phép hoạt động kể từ ngày được cấp chứng nhận.

Hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp đấu giá tài sản

Doanh nghiệp đấu giá tài sản chuẩn bị 01 bộ hồ sơ nộp cho Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đặt trụ sở gồm:

a) Giấy đề nghị đăng ký hoạt động của Doanh nghiệp đấu giá.

b) Trường hợp công ty đấu giá thành lập dưới hình thức công ty hợp danh. Doanh nghiệp phải cung cấp thêm Điều lệ hoạt động;

c) Bản sao có chứng thực; hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu Chứng chỉ hành nghề đấu giá của chủ doanh nghiệp tư nhân; thành viên hợp danh; giám đốc công ty hợp danh;

d) Giấy tờ chứng minh về trụ sở của doanh nghiệp đấu giá tài sản (hình ảnh của trung tâm; hợp đồng thuê trụ sở) ;cam kết bảo đảm cơ sở vật chất; trang thiết bị cần thiết cho hoạt động đấu giá tài sản.

Thủ tục sau khi thành lập công ty đấu giá

Xin giấy chứng nhận mã số thuế để khai thuế theo đúng quy định.

Khác với doanh nghiệp thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Khi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh các doanh nghiệp thông thường, thì mã đăng ký là mã số thuế. Còn Công ty Đấu giá thì thẩm quyền cấp phép thành lập thuộc Sở Tư pháp. Vì vậy công ty này phải lập hồ sơ đăng ký mã số thuế.

Thứ nhất, Trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày được cấp phép hoạt động. Công ty đấu giá phải thực hiện thủ tục đăng ký mã số thuế. Hồ sơ cần chuẩn bị gồm:

1/ Tờ khai 01-ĐK-TCT

2/ Bản sao giấy phép đăng ký hoạt động của công ty Đấu giá.

Thứ hai, Công ty đấu giá tiến hành nộp hồ sơ đăng ký thuế tại Website của Tổng Cục Thuế

Thứ ba, tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đầy đủ. Công ty Đấu giá sẽ tiến hành nộp hồ sơ đến Cục Thuế khi có thông báo hồ sơ hợp lệ.

Công bố nội dung đăng ký hoạt động

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động. Doanh nghiệp đấu giá tài sản phải đăng báo hàng ngày của trung ương hoặc địa phương nơi đăng ký hoạt động trong ba số liên tiếp. gồm các nội dung chính sau đây:

a) Tên doanh nghiệp;

b) Địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp đấu giá tài sản, chi nhánh, văn phòng đại diện;

c) Số, ngày cấp Giấy đăng ký hoạt động, nơi đăng ký hoạt động;

d) Họ, tên, số Chứng chỉ hành nghề đấu giá của chủ doanh nghiệp đấu giá tư nhân; họ, tên, số Chứng chỉ hành nghề đấu giá của thành viên hợp danh, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của công ty đấu giá hợp danh.

Một số nguyên tắc khi hoạt động đấu giá

Một số khái niệm cơ bản về đấu giá tài sản

Để nắm rõ nguyên tắc hoạt động đấu giá, trước hết, PHAM DO LAW xin cung cấp cho người đọc một số khái niệm cơ bản sau:

Tài sản đấu giá

Các tài sản được quy định tại  Điều 4 Luật Đấu giá tài sản được gọi là Tài sản đấu giá

Giá khởi điểm

Giá khởi điểm là giá ban đầu thấp nhất của tài sản đấu giá trong trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên; giá ban đầu cao nhất của tài sản đấu giá trong trường hợp đấu giá theo phương thức đặt giá xuống;

Bước giá

Đối với đấu giá theo phương thức trả giá lên, bước giá là giá trị chênh lệch tối thiểu. Của lần trả giá sau so với lần trả giá trước liền kề. Bước giá do người có tài sản đấu giá quyết định, tuỳ mỗi cuộc đấu giá sẽ có bước giá khác nhau.

Ví dụ Tài sản là Mảnh đất X có giá trị 3.000.000.000 đồng bước giá là 200.000.000 đồng. Như vậy lần trả giả sau liền kề, giá trị tối thiểu của mảnh đất X là 3.200.000.000 đồng.

Người có tài sản đấu giá

Cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền bán đấu giá tài sản; hoặc người có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

Ví dụ 1, ngân hàng Y nhận thế chấp của ông B là 1 Ô tô X giá trị thẩm định là 500.000.000 đồng để thực hiện khoản vay. Sau một thời gian, ông B không thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Ngân hàng Y quyết định cưỡng chế thu hồi xe Ô tô X của ông B và quyết định đem ra bán đấu giá. Như vậy, ngân hàng Y là chủ sở hữu của tài sản và là người có tài sản đấu giá.

Ví dụ 2. Công ty A tiến hành mở thủ tục phá sản. Theo yêu cầu của các chủ nợ, công ty A tiến hành bán đấu giá tài sản để thực hiện nghĩa vụ của mình. Như vậy Công ty A là người có tài sản đấu giá.

Người tham gia đấu giá

Cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện tham gia đấu giá để mua tài sản đấu giá theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Người trúng đấu giá 

Là cá nhân, tổ chức trả giá cao nhất so với giá khởi điểm; hoặc bằng giá khởi điểm trong trường hợp không có người trả giá cao hơn giá khởi điểm khi đấu giá theo phương thức trả giá lên; cá nhân, tổ chức chấp nhận mức giá khởi điểm; hoặc mức giá đã giảm trong trường hợp đấu giá theo phương thức đặt giá xuống.

Ví dụ, cuộc đấu giá, gồm có 3 người mua gồm với mã số 001, 002, 003. Tài sản đấu giá là Xe Ô tô nhãn X biển số XX-XXX.XX giá khởi điểm 500.000.000 đồng; bước giá là 10.000.000 đồng. Là tài sản xử lý thế chấp của ông B đối với ngân hàng Y. Với phương thức trả giá lên theo hình thức trả giá trực tiếp bằng lời nói. Vòng 1, 001 trả giá 511.000.000 đồng; 002 trả giá 512.000.000 đồng; 003 rút. Vòng 2, 001 trả giá 515.000.000 đồng; 002 rút. Như vâỵ, 001 là người trúng đấu giá.

Người mua được tài sản đấu giá 

Người trúng đấu giá và ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá; hoặc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá tài sản. 

Cũng từ ví dụ trên, Ngân hàng X đã xử lý tài sản thế chấp của ông B bằng cách đưa tài sản ra đấu giá. Như vậy Ngân hàng Y là chủ sở hữu của xe Ô tô nhãn X. Như vậy 001 sẽ ký hợp đồng mua bán tài sản Ngân hàng Y.

Phương thức đặt giá xuống

Theo đó đấu giá viên đặt giá từ cao xuống thấp cho đến khi xác định được người chấp nhận mức giá do đấu giá viên đưa ra. Hiện tại, phương thức này người viết chưa tìm thấy tình huống thực tiễn nào. Do đó, đây được xem như quy định mang tính dự phòng của pháp luật.

Phương thức trả giá lên 

Theo đó người tham gia đấu giá trả giá từ thấp lên cao cho đến khi xác định được người trả giá cao nhất so với giá khởi điểm. 

Hoạt động đấu giá phải có hợp đồng dịch vụ đấu giá

Theo quy đinh tại Luật Đấu giá tài sản 2016. Người có tài sản khi thực hiện việc đấu giá tài sản phải ký Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản. Hợp đồng phải được lập thành văn bản. Được thực hiện theo quy định Pháp luật Dân sự và Luật Đấu giá tài sản 2016.

Tuy mỗi hình thức hợp đồng sẽ có sự khác nhau. Nhưng tưu trung đều có điều khoản cơ bản trong hợp đồng đấu giá gồm:

Tên hợp đồng đấu giá

Tên hợp đồng: Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản

Lưu ý: Đối với tài sản có nhiều đấu giá. Tên hợp đồng sẽ là: Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản (Lần X) hoặc Phụ lục X hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.

Số hợp đồng: Thông thường khi lập hợp đồng, số hợp đồng thường lấy theo số thứ tự vụ việc mà doanh nghiệp đấu giá nhận. Tiếp đến là năm giải quyết (tính từ thời điểm giao kết); Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản (viết tắt); Tên Công ty hoặc chi nhánh (viết tắt)

Ví dụ: Công ty Đấu giá hợp danh A, tên viết tắt là AA. Nhận dịch vụ đấu giá thứ 12 trong năm 2022. Lần đấu giá đầu tiên. Thì Tên hợp đồng được viết như sau: Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản Số 12/2022/HĐDVĐG/AA. Nếu tài sản này được đấu giá lần 2 thì tên hợp đồng có thể là Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản (lần 2) Số 12.2/2022/HĐDVĐG/AA; hoặc Phụ lục 1 Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản Số 12.2/2022/HĐDVĐG/AA.

Thông tin các bên tham gia hợp đồng đấu giá

Sau khi lập xong tên Hợp đồng, ngày tháng năm và địa điểm ký; Các bên tiếp tục điền đây đủ thông tin của Người có tài sản đấu giá và Bên thực hiện dịch vụ.

Đối với người có tài sản đấu giá là cá nhân: Cần ghi rõ thông tin về Họ tên; Ngày tháng năm sinh; Loại giấy tờ pháp lý và số giấy tờ pháp lý, ngày cấp; Đại chỉ thường trú.

Đối với người có tài sản đấu giá là doanh nghiệp và Bên thực hiện dịch vụ: Ghi rõ thông tin Doanh nghiệp: Tên đầy đủ doanh nghiệp; số đăng ký kinh doanh; địa chỉ; tên người đại diện theo pháp luật: Số giấy tờ pháp lý; Chức vụ.

Điều khoản về tài sản đấu giá 

Trong điều khoản, này, các bên tiến hành mô tả chi tiết tài sản đấu giá. Lưu ý, trong điều khoản này bao gồm cả biên bản thẩm định giá trị về tài sản; các giấy tờ pháp lý có liên quan đối với từng loại tài sản; nếu tài sản là tài sản kê biên hoặc thu hồi để xử lý nợ thì phải có tên công văn hoặc biên bản kê biên; Hợp đồng thế chấp tài sản đối với tài sản nợ; giấy uỷ quyền.

Điều khoản về phương án đấu giá tài sản

Trong các điều khoản này, các bên ghi nhận về:

– Giá khởi điểm; bước giá của tài sản đấu giá;

– Phương thức đấu giá: Đấu giá theo phương thức trả giá lên; hoặc đấu giá theo phương thức đặt giá xuống;

– Hình thức đấu giá: Hình thức trực tiếp bằng lời nói; bỏ phiếu trực tiếp; bỏ phiếu gián tiếp; trực tuyến (xem Chương 3 Nghị định 62/2017)

– Địa điểm đấu giá

– Địa điểm xem tài sản đấu giá

Điều khoản về giao tài sản đấu giá

Trong điều khoản này, các bên thoả thuận phương án giao tài sản cho người trúng đấu giá bao gồm:

– Phương thức thanh toán của người trúng đấu giá cho bên có tài sản đấu giá;

– Thời hạn giao tài sản;

– Phương thức giao tài sản;

– Địa điểm giao tài sản.

Điều khoản về thù lao dịch vụ đấu giá

Điều khoản này thoả thuận về thu lao trong quá trình thực hiện dịch vụ và phương thức thanh toán.

Các điều khoản quyền và nghĩa vụ các bên

Trong điều khoản này, các bên thoả thuận về quyền và nghĩa vụ cơ bản của mình. Bao gồm cả quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, bất khả kháng; các quyền theo quy định của Luật Đấu giá tài sản.

Niêm yết công khai về tài sản đấu giá

Tài sản đấu giá phải thực hiện niêm yết một cách công khai và minh bạch. Tổ chức đấu giá phải lưu hồ sơ việc niêm yết của mình đối với tài sản. Các tài liệu lưu hồ sơ có thể là hình ảnh, văn bản xác nhận. Thông thường, các tổ chức đấu giá sẽ lập biên bản niêm yết tài sản đối với hoạt động niêm yết và lưu hồ sơ.

Thời gian và địa điểm niêm yết

Trường hợp tài sản là động sản: Thời gian thực hiện việc niêm yết là 7 ngày làm việc. Tính từ thời điểm trước khi mở cuộc đấu giá. Địa điểm niêm yết là tại trụ sở của Doanh nghiệp đấu giá. Ngoài ra doanh nghiệp đấu giá phải niêm yết tại nơi trưng bày tài sản đấu giá nếu có.

Trường hợp tài sản là bất động sản: Thời gian thực hiện niêm yết là 15 ngày. Địa điểm niêm yết: Tại trụ sở của công ty đấu giá; nơi tổ chức cuộc đấu giá; và UBND cấp xã nơi có bất động sản đấu giá. Trước đây, các công ty đấu giá còn phải thực hiện niêm yết tại vị trí bất động sản. Tuy nhiên, do nhiều quan điểm cho rằng việc này không có tính thực tế. Vì vậy Luật Đấu giá tài sản 2016 đã bãi bỏ quy định niêm yết tại vị trí bất động sản. 

Thông tin niêm yết tài sản đấu giá

Trong thông tin niêm yết, các bên phải có đầy đủ các thông tin về tài sản đấu giá bao gồm:

1/ Tên, địa chỉ của tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá;

2/ Tên tài sản hoặc danh mục tài sản, số lượng, chất lượng của tài sản đấu giá; nơi có tài sản đấu giá; giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đấu giá;

3/ Thời gian, địa điểm xem tài sản đấu giá;

4/ Thời gian, địa điểm bán hồ sơ tham gia đấu giá;

5/ Giá khởi điểm của tài sản đấu giá trong trường hợp công khai giá khởi điểm;

6/ Tiền mua hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước;

7/ Thời gian, địa điểm, điều kiện, cách thức đăng ký tham gia đấu giá;

8/ Thời gian, địa điểm tổ chức cuộc đấu giá;

9/ Hình thức đấu giá, phương thức đấu giá;

Thông báo công khai về tài sản đấu giá

Đối với tài sản đấu giá có giá trị trên 50 triệu đồng; hoặc tài sản đấu giá là bất động sản. Công ty đấu giá phải thực hiện thông báo công khai về hoạt động đấu giá tài sản. Việc thông báo phải thực hiện trên báo in hoặc báo hình. Các báo trên thuộc sự quản lý của trung ương; hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá. Và thông báo công khai trên Trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản. Về thời gian, mỗi lần thông báo phải cách nhau ít nhất 2 ngày làm việc.

Từ thời điểm 2018 trở đi, việc thông báo trên Cổng thông tin điện tử và đăng báo là hoạt động bắt buộc và có thể tiến hành song song.

Tổ chức cho người tham gia đấu giá xem tài sản đấu giá

Đối với tài sản đấu giá thông thường: Nười tham gia đấu giá được xem tài sản trực tiếp; hoặc mẫu tài sản trong khoảng thời gian liên tục ít nhất 02 ngày. Trong trường hợp là tài sản mẫu phải ghi rõ tên người có tài sản đấu giá và thông tin tài sản đó;

Đối với tài sản đấu giá là quyền tài sản; hoặc tài sản phải đăng ký quyền sở hữu: Người tham gia đấu giá được xem các tài liệu về tài sản và tài liệu có liên quan. Công ty đấu giá tổ chức xem tài sản trong thời gian liên tục tục ít nhất 02 ngày.

Hướng dẫn hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá đúng quy định

Theo Luật về Đấu giá tài sản 2016, PHAM DO LAW sẽ hướng dẫn quý bạn đọc quy trình tham gia đấu giá chi tiết như sau:

Bước 1. Tổ chức, cá nhân phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy chế đấu giá tài sản. Và không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật này.

Bước 2. Sau khi đã đáp ứng các điều kiện trên. Tổ chức, cá nhân tiến hành mua hồ sơ trực tiếp tại Tổ chức đấu giá. Khi đi mang theo giấy tờ tuỳ thân và văn bản uỷ quyền (nếu có)

Lưu ý: Tổ chức đấu giá chỉ bán trong giờ hành chính. Thời gian mua hồ sơ trong vòng 02 ngày liên tục trước thời điểm mở cuộc đấu giá.

Bước 3. Người mua tiến hành thanh toán tiền cho Tổ chức đấu giá. Bao gồm tiền đặt cọc trước và tiền mua hồ sơ đấu giá.

Lưu ý:

1/ Khoản tiền đặt trước là khoản tiền ấn định bởi người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá. Người tham gia đấu giá phải đặt trước khoản tiền trong thời gian 03 ngày làm việc. Tính từ thời điểm trước ngày mở cuộc đấu giá. Giá trị khoản tiền đặt trước từ 5% đến 20% giá trị tài sản đấu giá.

2/ Người tham gia đấu giá có thể thoả thuận với người đấu giá về thời gian nộp tiền đặt trước. Tuy nhiên, thời gian thoả thuận phải trước khi cuộc đấu giá diễn ra. Tiền đặt trước được chuyển vào tài khoản ngân hàng chỉ định. Trường hợp tiền đặt trước là dưới 5 triệu đồng. Người mua hồ sơ có thể nộp trực tiếp cho Tổ chức đấu giá.

3/ Chi phí mua hồ sơ tuỳ thuộc vào giá trị quyền sử dụng đất; diện tích đất; hoặc giá trị tài sản. Chi tiết được quy định tại Thông tư 48/2017/TT-BTC.

Báo cáo định kỳ

Tổ chức đấu giá phải có trách nhiệm báo cáo các hoạt động của mình các hoạt động sau:

1/ Lập Sổ mục theo dõi tài sản đấu giá, Sổ đăng ký đấu giá; Sổ mục gồm các nội dung như: Thông tin tài sản đấu giá; Số lần đấu giá; Người trúng đấu giá; Số hợp đồng; Ngày tổ chức đấu giá (trường hợp hồ sơ đang xử lý thì không ghi; trường hợp chấm dứt hợp đồng thì ghi Thanh lý hợp đồng)

2/ Báo cáo Sở Tư pháp nơi tổ chức có trụ sở danh sách đấu giá viên đang hành nghề; người tập sự hành nghề đấu giá tại tổ chức;

3/ Báo cáo Sở Tư pháp nơi tổ chức có trụ sở về tổ chức, hoạt động hàng năm hoặc trong trường hợp đột xuất theo yêu cầu (thanh tra bất thường); đối với doanh nghiệp có chi nhánh thì còn phải báo cáo Sở Tư pháp nơi chi nhánh của doanh nghiệp đăng ký hoạt động;

Thời điểm thanh tra đối với các Tổ chức đấu giá thường không cố định. Đối với các hồ sơ đấu giá có yếu tố vi phạm pháp luật hoặc có yếu tố hình sự; Cơ quan thanh tra sẽ tiến hành các hoạt động rà soát và yêu cầu giải trình đột xuất. Ngoài ra các hoạt động thanh tra bất thường sẽ có sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan nhà nước.

Có thể thành lập công ty đấu giá có yếu tố nước ngoài được không?

Hiện nay, Dịch vụ đấu giá đang được xếp vào nhóm ngành nghề bổ trợ tư pháp; thuộc danh mục các nhóm ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, để thành lập công ty đấu giá có yếu tố nước ngoài cần phải xin ý kiến của Bộ Tư Pháp. Tuy nhiên, hiện nay hoàn toàn không có văn bản pháp luật nào hướng dẫn. Do đó, Bộ Tư pháp sẽ ra văn bản từ chối cấp phép cho dịch vụ này. Vì vậy, cho đến hiện nay, câu trả lời là không thể thành lập công ty đấu giá có yếu tố nước ngoài.

Trên đây là toàn bộ ý kiến tư vấn của Pham Do Law về Thành lập công ty đấu giá. Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực vào thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.

 

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9

Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

0972599340