Thành lập công ty giáo dục mầm non
Hiện nay, nhu cầu về môi trường giáo dục mầm non cho trẻ em của các bậc phụ huynh tại Việt Nam ngày càng lớn. Nắm bắt được nhu cầu này, rất nhiều người có dự định thành lập cơ sở giáo dục mầm non. Vậy thủ tục thành lập công ty giáo dục mầm non được thực hiện như thế nào? Hãy cũng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây của Phạm Đỗ Law nhé.
Nội dung
Quy trình thành lập công ty giáo dục mầm non
Để thành lập công ty giáo dục mầm non, cần phải thực hiện 03 bước:
Bước 1: Đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Sở kế hoạch và Đầu tư
Quy trình thực hiện thủ tục đăng ký thành lập công ty giáo dục mầm non cũng tương tự như đăng ký thành lập các loại hình công ty khác.
Quý khách hàng có thể tham khảo hướng dẫn thành lập công ty tại bài viết Thủ tục thành lập công ty nhanh và dễ dàng
Riêng đối với ngành, nghề kinh doanh, có thể đăng ký các mã ngành như sau:
- Giáo dục nhà trẻ – 8510 nếu hoạt động giáo dục trẻ em từ 3 tháng đến 3 tuổi;
- Giáo dục mẫu giáo – 8511 nếu hoạt động giáo dục trẻ em từ 3 tuổi đến 6 tuổi
Bước 2: Đề nghị cấp phép thành lập Cơ sở giáo dục mầm non tại Ủy Ban Nhân Dân quận/huyện
Thành phần hồ sơ đề nghị cấp phép thành lập bao gồm:
- Tờ trình đề nghị thành lập, trong đó:
- Có bao gồm các nội dung: sự cần thiết thành lập, tên cơ sở, địa điểm dự kiến đặt cơ sở;
- Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương
- Đề án thành lập, trong đó:
- Có bao gồm các nội dung: Dự kiến tổng số vốn; thuyết minh về tính khả thi và hợp pháp của các nguồn vốn trong từng giai đoạn xây dựng và phát triển cơ sở;
- Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng cơ sở; tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây
dựng và phát triển
Thời gian thực hiện thủ tục: 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Bước 3: Đề nghị cấp phép hoạt động tại Phòng giáo dục và đào tạo quận/huyện
Sau khi thực hiện Bước 2 và nhận quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục mầm non, khách hàng tiến hành nộp hồ sơ đề nghị hoạt động giáo dục.
Thành phần hồ sơ bao gồm:
- Tờ trình đề nghị cho phép hoạt động giáo dục;
- Quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục mầm non;
- Danh sách cán bộ chủ chốt: hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng tổ chuyên môn (ghi rõ chuyên môn đào tạo);
- Danh sách đội ngũ giáo viên, nhân viên (ghi rõ chuyên môn đào tạo);
- Hợp đồng làm việc ký giữa cơ sở giáo dục mầm non và giáo viên, cán bộ quản lý;
- Chương trình giáo dục và tài liệu phục vụ;
- Danh mục số lượng phòng học, phòng làm việc, cơ sở vật chất, thiết bị;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê quyền sử dụng địa điểm có thời hạn trên 05 năm;
- Xác nhận số dư tài khoản ngân hàng của công ty kèm theo cam kết sẽ chỉ sử dụng để đầu tư xây dựng và chi phí cho các hoạt động thường xuyên của cơ sở giáo dục mầm non sau khi được cấp phép hoạt động;
- Phương án huy động vốn và cân đối vốn tiếp theo để bảo đảm duy trì ổn định hoạt động củacơ sở trong giai đoạn 05 năm, bắt đầu từ khi được tuyển sinh;
- Quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non
Điều kiện thành lập công ty giáo dục mầm non
Điều kiện về quy hoạch
Mỗi địa phương trên cả nước sẽ có quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục khác nhau. Quy hoạch được xây dựng trên cơ sở phù hợp nhất với tình hình phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương đó và tạo thuận lợi nhất cho trẻ em đến trường.
Khi tiếp nhận hồ sơ thành lập cơ sở giáo dục mầm non; cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào quy hoạch của địa phương đó để quyết định cho phép thành lập hoặc không.
Điều kiện về cơ sở vật chất
- Diện tích khu đất xây dựng phải bao gồm: Diện tích xây dựng; diện tích sân chơi; diện tích cây xanh, đường đi. Diện tích khu đất xây dựng bình quân tối thiểu 12m2 cho một trẻ em đối với khu vực đồng bằng, trung du (trừ thành phố thị xã); 08 m2 cho một trẻ em đối với khu vực thành phố, thị xã, núi cao và hải đảo;
- Khuôn viên của cơ sở giáo dục mầm non phải có tường bao ngăn cách với bên ngoài;
- Cơ cấu khối công trình gồm:
- Phòng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo: Phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ, phòng vệ sinh, hiên chơi ;
- Phòng phục vụ học tập: Phòng giáo dục thể chất, phòng giáo dục nghệ thuật hoặc phòng đa chức năng;
- Phòng tổ chức ăn: Khu vực nhà bếp và kho;
- Phòng hành chính quản trị gồm: Văn phòng trường, phòng hiệu trưởng, phòng phó hiệu trưởng, phòng hành chính quản trị, phòng y tế, phòng bảo vệ, phòng dành cho nhân viên, khu vệ sinh cho giáo viên, cán bộ, nhân viên, khu để xe cho giáo viên, cán bộ, nhân viên;
- Sân chơi gồm: Sân chơi của nhóm, lớp; sân chơi chung
Điều kiện về PCCC
Cơ sở giáo dục mầm non như trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ là cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy. Do đó, khi thành lập, cơ sở phải đáp ứng các điều kiện và thực hiện các thủ tục về phòng cháy, chữa cháy.
Cụ thể, căn cứ tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP và Thông tư 149/2020/TT-BCA, cơ sở giáo dục mầm non phải thực hiện các thủ tục sau:
- Xin phê duyệt phương án PCCC;
- Người làm nhiệm vụ PCCC tại cơ sở phải được cấp GCN huấn luyện nghiệp vụ PCCC;
- Ngoài ra, đối với cơ sở giáo dục có trên 100 cháu HOẶC có khối tích trên 3.000m3 phải xin thêm GCN thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
Điều kiện về vốn
Vốn điều lệ công ty do chủ sở hữu quyết định trừ trường hợp một số ngành, nghề kinh doanh có yêu cầu vốn tối thiểu. Đối với kinh doanh ngành nghề giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo, không có yêu cầu về vốn tối thiểu.
Tuy nhiên,cơ sở phải chứng minh năng lực tài chính phù hợp với kế hoạch hoạt động của cơ sở giáo dục. Do đó, cần xem xét và đăng ký vốn điều lệ phù hợp.
Quý khách hàng có thể tính số vốn điều lệ căn cứ vào chi phí đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất; chi phí thuê mặt bằng; chi phí thuê nhân viên trong khoảng 6 tháng đầu tiên;…
Điều kiện về chương trình giảng dạy
Chương trình giảng dạy của cơ sở mầm non phải tuân theo chương trình do Bộ GD và ĐT ban hành tại Thông tư 17/2009/TT-BGDĐT; và các văn bản sửa đổi, bổ sung. Có thể tham khảo văn bản hợp nhất các quy định về chương trình giáo dục mầm non số 01/VBHN-BGDĐT
Nhìn chung, các chương trình giáo dục phải giúp trẻ phát triển hài hòa về các mặt:
- thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ (đối với giáo dục nhà trẻ);
- thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ, chuẩn bị cho trẻ vào học ở tiểu học (đối với giáo dục mẫu giáo).
Điều kiện về giáo viên
Giáo viên tại cơ sở giáo dục mầm non phải đáp ứng các điều kiện về tiêu chuẩn nhà giáo:
- Có phẩm chất, tư tưởng, đạo đức tốt;
- Có kỹ năng cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ;
- Bảo đảm sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp.
Và phải có bằng cao đẳng sư phạm trở lên.
Điều kiện về hiệu trưởng
- Là cá nhân không quá 65 tuổi tại thời điểm đề cừ;
- Không phải là công chức, viên chức trong biên chế Nhà nước;
- Không đang giữ chức Hiệu trưởng nhà trường, nhà trẻ tư thục khác;
- Phải được đề cử và bầu bởi 50% Hội đồng quản trị (trường hợp có Hội đồng quản trị) và được Đại hội đồng góp vốn (nếu có) thông qua, được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận
Điều kiện về dinh dưỡng
Hoạt động nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ thuộc các hoạt động trong chương trình giáo dục mầm non. Do đó, cơ sở phải tuân thủ các quy định về chế độ dinh dưỡng, tổ chức ăn, ngủ và chăm sóc sức khỏe cho trẻ.
Xem chi tiết quy định tại văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BGDĐT
Ví dụ, quy định vể tổ chức ăn cho trẻ tại cơ sở giáo dục mẫu giáo được quy định như sau:
1. Tổ chức ăn
– Xây dựng chế độ ăn, khẩu phần ăn phù hợp với độ tuổi:
+ Nhu cầu khuyến nghị năng lượng của 1 trẻ trong một ngày là: 1230 – 1320 Kcal.
+ Nhu cầu khuyến nghị năng lượng tại trường của 1 trẻ trong một ngày chiếm 50 – 55% nhu cầu cả ngày: 615 – 726 Kcal.
– Số bữa ăn tại cơ sở giáo dục mầm non: Một bữa chính và một bữa phụ.
+ Năng lượng phân phối cho các bữa ăn: Bữa chính buổi trưa cung cấp từ 30% đến 35% năng lượng cả ngày. Bữa phụ cung cấp từ 15% đến 25% năng lượng cả ngày.
+ Tỷ lệ các chất cung cấp năng lượng theo cơ cấu:
Chất đạm (Protit) cung cấp khoảng 13% – 20% năng lượng khẩu phần.
Chất béo (Lipit) cung cấp khoảng 25% – 35% năng lượng khẩu phần.
Chất bột (Gluxit) cung cấp khoảng 52% – 60% năng lượng khẩu phần.
– Nước uống: khoảng 1,6 – 2,0 lít/trẻ/ngày (kể cả nước trong thức ăn).
– Xây dựng thực đơn hàng ngày, theo tuần, theo mùa.
Ngoài ra, bếp ăn của cơ sở giáo dục phải đảm bảo các quy định về vệ sinh ATTP. Nếu kết hợp với cơ sở cung cấp thức ăn, cơ sở đó phải có GCN cơ sở đủ điều kiện ATVSTP.
Điều kiện về trang thiết bị giảng dạy, vui chơi cho bé
Trang thiết bị giảng dạy, vui chơi cho bé phải thuộc danh mục do Bộ GD và ĐT ban hành. Chi tiết danh mục được quy định tại Phụ lục Thông tư 02/2010/TT-BGDĐT, sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 34/2013/TT-BGDĐT
Ngoài các thiết bị trong danh mục trên, cơ sở giáo dục mầm non có thể lựa chọn sử dụng các thiết bị, đồ chơi khác. Tuy nhiên, phải đảm bảo:
- Tính an toàn, tính thẩm mỹ, tính giáo dục của trang thiết bị, đồ chơi (cụ thể xem tại Chương 2 Thông tư 47/2020/TT-BGDDT)
- Tăn cứ vào các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, chuyên đề hàng năm của cơ sở;
- Căn cứ vào các điều kiện thực tế về vật chất, nguồn lực.
Dịch vụ thành lập cơ sở giáo dục mầm non của Pham Do Law
- Kiểm tra quy hoạch
- Kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất
- Kiểm tra điều kiện phòng cháy chữa cháy (PCCC)
- Kiểm tra điều kiện khác theo yêu cầu của từng địa phương.