Xin phép xuất khẩu lao động
Xin phép xuất khẩu lao động cho công ty như thế nào? Thời gian gần đây tình trạng bị lừa đảo khi đăng ký đi xuất khẩu lao động có chiều hướng gia tăng và ngày càng phổ biến. Vì thế người lao động nên tìm hiểu về các công ty thực hiện dịch vụ đưa người Việt Nam ra nước ngoài làm việc để bảo vệ chính mình. Đồng thời, các doanh nghiệp dịch vụ cũng nên tìm hiểu trước về việc thành lập và các loại giấy phép mà công ty mình cần đáp ứng. Bài viết này của Pham Do Law sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích.
Nội dung
- 1 Cơ sở pháp lý
- 2 Giấy phép xuất khẩu lao động là gì?
- 3 Phạm vi hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
- 4 Điều kiện cấp phép chung
- 5 Điều kiện áp dụng với từng thị trường, ngành, nghề, công việc
- 6 Trình tự thủ tục xin giấy phép xuất khẩu lao động
- 7 Lưu ý về giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người VN ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Cơ sở pháp lý
- Luật Người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng 2020
- Nghị định 112/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
- Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Giấy phép xuất khẩu lao động là gì?
Các hình thức đưa người Việt Nam ra nước ngoài làm việc
Có 3 hình thức đưa người VN ra nước ngoài làm việc:
- Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp để thực hiện thỏa thuận quốc tế.
- Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sau đây:
a) Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
b) Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài;
c) Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài;.
d) Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. - Hợp đồng lao động do người lao động Việt Nam trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.
Phạm vi bài viết này sẽ tập trung vào hình thức Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Phạm vi hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
1. Ký kết và thực hiện hợp đồng, thỏa thuận liên quan đến việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2. Tìm kiếm, phát triển thị trường lao động ở nước ngoài; cung cấp thông tin, quảng cáo, tư vấn về cơ hội việc làm ở nước ngoài.
3. Chuẩn bị nguồn lao động và tuyển chọn người lao động.
4. Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
5. Quản lý người lao động; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
6. Thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
7. Thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
8. Hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi về nước.
Đối tượng được cấp phép
Doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam.
Điều kiện cấp phép chung
Vốn pháp định
Doanh nghiệp phải có vốn pháp định từ 5.000.000.000 đồng trở lên.
Ký quỹ
Ký quỹ 2.000.000.000 đồng tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Người đại diện theo pháp luật
1/ Trình độ từ đại học trở lên và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc dịch vụ việc làm;
2/ Không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
3/ Không có án tích về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, …
Nhân viên nghiệp vụ
1/ Số lượng: tối thiểu 1 người
2/ Chuyên môn:
- Tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên thuộc nhóm ngành đào tạo trong lĩnh vực pháp luật; nhân văn; dịch vụ xã hội; khoa học xã hội và hành vi; hoặc kinh doanh và quản lý;
- Tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên không thuộc nhóm ngành đào tạo kể trên; và có ít nhất 02 năm kinh nghiệm về đưa người VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
3/ Hình thức làm việc: hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại doanh nghiệp.
Cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng cho người lao động
1/ Có phòng học và phòng nội trú cho ít nhất 100 học viên tại một thời điểm; có nơi sơ cứu, cấp cứu với trang thiết bị, phương tiện sơ cứu, cấp cứu;
2/ Phòng học có diện tích tối thiểu 1,4 m2/học viên; có trang thiết bị cơ bản phục vụ học tập;
3/ Phòng nội trú có diện tích tối thiểu 3,5 m2/học viên; có trang thiết bị cơ bản đảm bảo phục vụ sinh hoạt nội trú; bố trí không quá 12 học viên/phòng; khu vực nội trú bố trí tách biệt cho học viên nam và nữ, có đủ buồng tắm và nhà vệ sinh.
4/ Nếu thuê cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng; thì thời hạn thuê phải còn ít nhất 02 năm tại thời điểm nộp hồ sơ xin Giấy phép.
5/ Chi nhánh công ty được giao tổ chức giáo dục định hướng phải có cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện an toàn, vệ sinh; có phòng học và phòng nội trú đáp ứng các quy định nêu trên.
6/ Doanh nghiệp dịch vụ phải duy trì quyền sử dụng hợp pháp cơ sở vật chất; để tổ chức giáo dục định hướng trong suốt thời gian hoạt động.
Trang thông tin điện tử
Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp phải có tên miền “.vn”; đăng tải thông tin cơ bản của doanh nghiệp, đăng hình ảnh Giấy phép sau khi được cấp; và nội dung thông tin về hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trang thông tin điện tử phải hoạt động thường xuyên, liên tục theo quy định của pháp luật về quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày có thay đổi về thông tin; doanh nghiệp dịch vụ phải cập nhật lên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.
Điều kiện áp dụng với từng thị trường, ngành, nghề, công việc
Điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại lãnh thổ Đài Loan
1/ Có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động tìm kiếm, phát triển thị trường lao động ngoài nước; có năng lực tiếng Trung trình độ tối thiểu HSK5 hoặc tương đương;
2/ Có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động quản lý người lao động; có năng lực tiếng Trung trình độ tối thiểu HSK5 hoặc tương đương; và ít nhất 01 năm kinh nghiệm về đưa người VN đi làm việc tại Đài Loan;
3/ Có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động giáo dục định hướng; có ít nhất 01 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan.
4/ Không bị xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời hạn 02 năm tính đến ngày đề nghị Bộ LĐ-TBXH giới thiệu với cơ quan có thẩm quyền của Đài Loan.
Điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản
1/ Có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động tìm kiếm, phát triển thị trường lao động ngoài nước; có năng lực tiếng Nhật trình độ tối thiểu N2 (chuẩn JLPT) hoặc tương đương;
2/ Có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động quản lý người lao động; có năng lực tiếng Nhật trình độ tối thiểu N2 (chuẩn JLPT); hoặc tương đương và ít nhất 01 năm kinh nghiệm về đưa người lao động VN đi làm việc tại Nhật Bản;
3/ Có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động giáo dục định hướng; có ít nhất 01 năm kinh nghiệm về đưa người lao động VN đi làm việc tại Nhật Bản.
4/ Đáp ứng các tiêu chuẩn đối với doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản theo thỏa thuận giữa Bộ LĐ-TBXH với cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản.
Điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài
1/ Đang thực hiện hợp đồng cung ứng lao động Việt Nam đi làm việc tại nước tiếp nhận.
2/ Có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động tìm kiếm, phát triển thị trường lao động ngoài nước; có năng lực ngoại ngữ phù hợp với nước tiếp nhận lao động; và ít nhất 01 năm kinh nghiệm về đưa người lao động VN đi làm việc tại nước tiếp nhận;
3/ Có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ thường trực ở nước ngoài để thực hiện hoạt động quản lý người lao động; có năng lực ngoại ngữ phù hợp với nước tiếp nhận lao động; và ít nhất 01 năm kinh nghiệm về đưa người VN đi làm việc tại nước tiếp nhận;
4/ Có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động giáo dục định hướng; có ít nhất 01 năm kinh nghiệm về đưa người lao động VN đi làm việc tại nước tiếp nhận.
5/ Bảo đảm người lao động đã có kinh nghiệm hoặc kiến thức làm giúp việc gia đình. Có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động.
Trình tự thủ tục xin giấy phép xuất khẩu lao động
Bước 1: Thành lập Công ty
Thẩm quyền: Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi đặt trụ sở công ty.
Thời hạn giải quyết: 3 ngày làm việc
Hồ sơ: Tùy từng loại hình công ty, hồ sơ đăng ký thành lập sẽ có sự khác nhau.
Xem thêm: THÀNH LẬP CÔNG TY NHANH VÀ DỄ DÀNG
Đối với công ty hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng, cần đăng ký ngành, nghề kinh doanh sau:
Mã ngành 7830 – Cung ứng và quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Bước 2: Ký quỹ 2.000.000.000 đồng tại Ngân hàng
Bước 3: Xin Giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động
Hồ sơ
- Văn bản đề nghị cấp Giấy phép của doanh nghiệp;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Giấy tờ chứng minh đáp ứng các điều kiện cấp phép:
- 01 bản sao Điều lệ của doanh nghiệp tại thời điểm đề nghị cấp Giấy phép;
- 01 bản chính Giấy xác nhận nộp tiền ký quỹ
- Giấy tờ của người đại diện theo pháp luật
- 01 bản sao Phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 06 tháng trước thời điểm đề nghị cấp Giấy phép;
- 01 bản sao bằng cấp chuyên môn;
- 01 bản sao giấy tờ chứng minh kinh nghiệm
- Giấy tờ về nhân viên nghiệp vụ
- 01 bản chính Danh sách nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài;
- 01 bản sao bằng cấp chuyên môn, văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ
- 01 bản sao giấy tờ chứng minh kinh nghiệm làm việc (nếu có) của một trong các văn bản sau: hợp đồng lao động, văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hoặc quá trình tham gia bảo hiểm xã hội hoặc giấy xác nhận kinh nghiệm của nơi đã làm việc của mỗi nhân viên nghiệp vụ;
- 01 bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; hoặc hợp đồng thuê cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng; kèm theo bảng kê do doanh nghiệp xác nhận về trang thiết bị, sơ đồ mặt bằng phòng học và khu vực nội trú.
Thẩm quyền
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Thời hạn giải quyết
20 ngày
Kết quả
Giấy phép hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Lệ phí Nhà nước
5.000.000 VNĐ/ Giấy phép
Lưu ý về giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người VN ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Công bố, niêm yết giấy phép
Doanh nghiệp cần đăng tải hình ảnh Giấy phép và các thông tin về hoạt động đưa người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài lên website.
Hành vi không cập nhật thông tin về người lao động trên Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bị xử phạt hành chính từ 3 – 5 triệu đồng.
Hoạt động của chi nhánh công ty kinh doanh dịch vụ đưa người VN ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Chi nhánh được doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ thực hiện một số nội dung của phạm vi công việc trong mục 2 kể trên; phải có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ (đủ điều kiện) chịu trách nhiệm đối với mỗi nội dung hoạt động đó.
Cho tổ chức khác sử dụng Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người VN ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Các hành vi sau bị phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng:
- Sử dụng Giấy phép của doanh nghiệp khác để đưa người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài;
- Cho tổ chức khác sử dụng Giấy phép của mình để đưa nlđ VN đi làm việc ở nước ngoài
Trên đây là ý kiến của Pham Do Law về Xin phép xuất khẩu lao động. Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực vào thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.