Thủ tục xin cấp giấy phép sản xuất hóa chất
Theo quy định của Pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực hóa chất. Việc sản xuất các chất hóa học cũng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn luật định. Ngoài quy định về số vốn, điều kiện đặc thù thì giấy phép sản xuất hóa chất cũng một yếu tố bắt buộc. Như vậy, làm thế nào để có thể nhận được giấy phép này? Pham Do Law xin đưa ra một số tư vấn của mình để khách hàng nắm rõ hơn.
Nội dung
- 1 Cơ sở pháp lý
- 2 Một số khái niệm cơ bản về sản xuất hóa chất
- 3 Các điều kiện sản xuất hóa chất
- 4 Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hóa chất
- 5 Mã ngành nghề kinh doanh hóa chất
- 6 Các câu hỏi thường gặp
- 7 Dịch vụ xin giấy phép sản xuất hóa chất của Pham Do Law
Cơ sở pháp lý
- Luật hóa chất năm 2007;
- Nghị định 113/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật hóa chất;
Một số khái niệm cơ bản về sản xuất hóa chất
Khái niệm về hóa chất và hóa chất hạn chế trong kinh doanh
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật hóa chất 2007 thì hóa chất được định nghĩa như sau:
Hóa chất là đơn chất, hợp chất, hỗn hợp chất được con người khai thác hoặc tạo ra từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, nguyên liệu nhân tạo.
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 113/2017/NĐ-CP thì hóa chất hạn chế sản xuất được quy định như sau:
1. Chất có trong Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp được ban hành tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.
2. Hỗn hợp chất chứa các chất có trong Phụ lục II kèm theo Nghị định này được phân loại theo quy định tại Điều 23 của Nghị định này thuộc ít nhất một trong các nhóm phân loại sau đây:
a) Độc cấp tính (theo các đường phơi nhiễm khác nhau) cấp 1;
b) Tác nhân gây ung thư cấp 1A, 1B;
c) Độc tính sinh sản cấp 1A, 1B;
d) Đột biến tế bào mầm cấp 1A, 1B.
Sản xuất hóa chất là gì?
Nghị định 113/2017/NĐ-CP định nghĩa về sản xuất hóa chất tại khoản 1 Điều 3. Theo đó, sản xuất hóa chất được hiểu là hoạt động tạo ra hóa chất. Hoạt động này thông qua các phản ứng hóa học, quá trình sinh hóa hoặc quá trình hóa lý, vật lý như trích ly, cô đặc, pha loãng, phối trộn…
Các điều kiện sản xuất hóa chất
Những yêu cầu về đảm bảo an trong sản xuất hóa chất
Về yêu cầu nhà xưởng và kho chứa hóa chất
Tại Điều 4 Nghị định 113 /2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật hóa chất quy đinh:
1. Nhà xưởng phải đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phù hợp với tính chất, quy mô và công nghệ sản xuất, lưu trữ hóa chất.
2. Nhà xưởng, kho chứa phải có lối, cửa thoát hiểm. Lối thoát hiểm phải được chỉ dẫn rõ ràng bằng bảng hiệu, đèn báo và được thiết kế thuận lợi cho việc thoát hiểm, cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp.
3. Hệ thống thông gió của nhà xưởng, kho chứa phải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về hệ thống thông gió.
4. Hệ thống chiếu sáng đảm bảo theo quy định để đáp ứng yêu cầu sản xuất, lưu trữ hóa chất. Thiết bị điện trong nhà xưởng, kho chứa có hóa chất dễ cháy, nổ phải đáp ứng các tiêu chuẩn về phòng, chống cháy, nổ.
5. Sàn nhà xưởng, kho chứa hóa chất phải chịu được hóa chất, tải trọng, không gây trơn trượt, có rãnh thu gom và thoát nước tốt.
6. Nhà xưởng, kho chứa hóa chất phải có bảng nội quy về an toàn hóa chất, có biển báo nguy hiểm phù hợp với mức độ nguy hiểm của hóa chất, treo ở nơi dễ thấy. Các biển báo thể hiện các đặc tính nguy hiểm của hóa chất phải có các thông tin: Mã nhận dạng hóa chất; hình đồ cảnh báo, từ cảnh báo, cảnh báo nguy cơ. Trường hợp hóa chất có nhiều đặc tính nguy hiểm khác nhau thì hình đồ cảnh báo phải thể hiện đầy đủ các đặc tính nguy hiểm đó. Tại khu vực sản xuất có hóa chất nguy hiểm phải có bảng hướng dẫn cụ thể về quy trình thao tác an toàn ở vị trí dễ đọc, dễ thấy.
7. Nhà xưởng, kho chứa phải có hệ thống thu lôi chống sét hoặc nằm trong khu vực được chống sét an toàn và được định kỳ kiểm tra theo các quy định hiện hành.
8. Đối với bồn chứa ngoài trời phải xây đê bao hoặc các biện pháp kỹ thuật khác để đảm bảo hóa chất không thoát ra môi trường khi xảy ra sự cố hóa chất và có biện pháp phòng chống cháy nổ, chống sét.
9. Nhà xưởng, kho chứa phải đáp ứng đủ các điều kiện về phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn và vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật có liên quan.
Về yêu cầu bao bì, công nghệ, thiết bị, dụng cụ
Tại Điều 5 Nghị định 113 /2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật hóa chất quy định:
1. Công nghệ sản xuất hóa chất được lựa chọn đảm bảo giảm thiểu nguy cơ gây sự cố hóa chất, ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ.
2. Thiết bị kỹ thuật phải đạt yêu cầu chung về an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phù hợp với chủng loại hóa chất và quy trình công nghệ, đáp ứng được công suất sản xuất, quy mô kinh doanh. Máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và thiết bị đo lường thử nghiệm phải được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh, bảo dưỡng theo quy định hiện hành về kiểm định máy móc, thiết bị.
Yêu cầu về bao bì
a) Vật chứa, bao bì phải đảm bảo kín, chắc chắn, có độ bền chịu được tác động của hóa chất, thời tiết và các tác động thông thường khi bốc, xếp vận chuyển. Bao bì đã qua sử dụng phải bảo quản riêng. Trước khi nạp hóa chất, cơ sở thực hiện nạp phải kiểm tra bao bì, vật chứa hóa chất, làm sạch bao bì đã qua sử dụng để loại trừ khả năng phản ứng, cháy nổ khi nạp hóa chất. Các vật chứa, bao bì đã qua sử dụng nhưng không sử dụng lại phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
b) Vật chứa, bao bì chứa đựng hóa chất phải có nhãn ghi đầy đủ các nội dung theo quy định về ghi nhãn hóa chất. Nhãn của hóa chất phải đảm bảo rõ, dễ đọc và có độ bền chịu được tác động của hóa chất, thời tiết và các tác động thông thường khi bốc, xếp vận chuyển.
Về yêu cầu bảo quản và vận chuyển hóa chất
Tại Điều 6 Nghị định 113 /2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật hóa chất quy định:
1. Các hóa chất nguy hiểm phải được phân khu, sắp xếp theo tính chất của từng loại hóa chất. Không được bảo quản chung các hóa chất có khả năng phản ứng với nhau hoặc có yêu cầu về an toàn hóa chất, phòng, chống cháy nổ khác nhau trong cùng một khu vực.
2. Hóa chất trong kho phải được bảo quản theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành, đảm bảo yêu cầu an toàn, thuận lợi cho công tác ứng phó sự cố hóa chất.
3. Quá trình vận chuyển hóa chất phải thực hiện theo quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm.
4. Về yêu cầu san chiết và đóng gói hóa chất
Về yêu cầu đối với hoạt động san chiết hóa chất
Tại Điều 7 Nghị định 113 /2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật hóa chất quy định:
1. Hoạt động san chiết, đóng gói hóa chất phải được thực hiện tại địa điểm đảm bảo các điều kiện về phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn và vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Thiết bị san chiết, đóng gói hóa chất phải đạt yêu cầu chung về an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành. Máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và thiết bị đo lường thử nghiệm phải được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh, bảo dưỡng theo quy định hiện hành về kiểm định máy móc, thiết bị.
3. Bao bì, vật chứa và nhãn hóa chất sau khi san chiết, đóng gói phải đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 5 của Nghị định này.
4. Người lao động trực tiếp san chiết, đóng gói hóa chất phải được huấn luyện về an toàn hóa chất.
Danh mục sản hóa chất có điều kiện theo quy đinh Pháp luật
Xem thêm: Phụ lục I Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ
Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hóa chất
Điều kiện cấp giấy phép sản xuất hóa chất
Vì sản xuất hóa chất là hoạt động kinh doanh có điều kiện, do đó hoạt động này đòi hỏi phải có giấy phép kinh doanh hóa chất. Để được cấp giấy phép kinh doanh hóa chất, doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều tiêu chí, điều kiện như sau:
Một là: Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 có ngành nghề sản xuất hóa chất;
Hai là: Doanh nghiệp đó phải có những tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 12 Luật hóa chất năm 2007 và các quy định tại Nghị định 113/2017/NĐ – CP;
Ba là: Doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh phải có kho chứa, hợp đồng thuê kho chứa hóa chất hoặc sử dụng kho của tổ chức, cá nhân đáp ứng được các điều kiện về bảo quản an toàn hóa chất, an toàn phòng, chống cháy nổ;
Bốn là: Về nhân sự, người phụ trách an toàn hóa chất phải đạt trình độ về trung cấp về hóa chất trở lên. Người đứng đầu đơn vị kinh doanh, người có trách nhiệm trực tiếp quản lý, người giám sát phải được tập huấn về an toàn hóa chất.
Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hóa chất
Đối với hóa chất sản xuất có điều kiện trong công nghiệp
Theo Nghị định 113 /2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật hóa chất, doanh nghiệp khi kinh hóa chất có điều kiện cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau:
1/ Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hóa chất sản xuất hóa chất có điều kiện;
2/ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
3/ Bản sao Quyết định phê duyệt hoặc văn bản xác nhận các tài liệu liên quan đến bảo vệ môi trường;
4/ Bản sao Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
5/ Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy hoặc;
6/ Bản vẽ tổng thể hệ thống mặt bằng nhà xưởng, kho chứa, nội dung bản vẽ phải đảm bảo các thông tin về vị trí nhà xưởng, kho tàng, khu vực chứa hóa chất, diện tích và đường vào nhà xưởng, khu vực sản xuất và kho hóa chất;
7/ Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đối với thửa đất xây dựng nhà xưởng, kho chứa hoặc Hợp đồng thuê nhà xưởng, kho chứa.
8/ Bản kê khai thiết bị kỹ thuật, trang bị phòng hộ lao động và an toàn của cơ sở sản xuất hóa chất;
9/ Bản sao bằng đại học trở lên chuyên ngành hóa chất của Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật hoặc cán bộ kỹ thuật phụ trách hoạt động sản xuất hóa chất của cơ sở sản xuất;
10/ Bản sao hồ sơ huấn luyện an toàn hóa chất theo quy định tại khoản 4 Điều 34 của Nghị định này;
11/ Phiếu an toàn hóa chất của các hóa chất nguy hiểm trong cơ sở sản xuất theo quy định.
Đối với hóa chất hạn chế sản xuất trong công nghiệp
Theo Nghị định 113 /2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật hóa chất, doanh nghiệp khi kinh hóa chất bị hạn chế cần chuẩn bị giấy tờ sau:
1/ Văn bản đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất theo mẫu quy định tại khoản 7 Điều 16 Nghị định 113/2017/NĐ-CP
2/ Các giấy tờ quy định từ mục 2 đến 11 như đã nêu ở Phần a;
3/ Thuyết minh quy trình công nghệ sản xuất hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.
Quy trình cấp giấy chứng nhận kinh doanh hóa chất
Đối với hóa chất sản xuất có điều kiện trong công nghiệp
Thẩm quyền: Sở công thương là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kinh doanh hóa chất
Trình tự cấp giấy phép kinh doanh hóa chất
Cách thức nộp hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh hóa chất
Doanh nghiệp nghiệp có thể lựa chọn nộp hồ sơ xin giấy phép kinh doanh theo 2 cách sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở Công Thương;
Thứ hai, doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ qua đường bưu điện
Thời gian cấp giấy phép: 12 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Thời gian này không tính thời gian sửa đổi, bổ sung hồ sơ cho hợp lệ.
Đối với hóa chất hạn chế sản xuất trong công nghiệp
Thẩm quyền: Bộ Công thương (Cục Hóa chất) là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kinh doanh hóa chất
Trình tự cấp giấy phép kinh doanh hóa chất
Cách thức nộp hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh hóa chất
Doanh nghiệp nghiệp có thể lựa chọn nộp hồ sơ xin giấy phép kinh doanh theo 3 cách sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục hóa chất;
Thứ hai, doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ qua đường bưu điện;
Thứ ba, doanh nghiệp nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến
Thời gian cấp giấy phép: 16 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Thời gian này không tính thời gian sửa đổi, bổ sung hồ sơ cho hợp lệ.
Mã ngành nghề kinh doanh hóa chất
Trong sản xuất hóa chất, khách hàng cần phải xác định rõ hóa chất thuộc lĩnh vực nào. Tùy vào các lĩnh khác nhau mà hóa chất sẽ có mã ngành riêng. Pham Do Law xin đưa ra một số mã ngành cụ thể cho từng lĩnh vực như sau:
Sản xuất hoá chất cơ bản, phân bón và hợp chất ni tơ; sản xuất plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh
Mã ngành | Mô tả |
Mã ngành 2011: Sản xuất hóa chất cơ bản | Nhóm này gồm: Sản xuất hóa chất sử dụng các quy trình cơ bản. Như phản ứng chưng cất và nhiệt cracking. Sản lượng của các quy trình này thường được tạo ra bởi các nguyên tố hóa học khác nhau. Hoặc bởi các hợp chất hóa học được xác định rõ tính chất hóa học riêng biệt. |
Mã ngành 2012-20120: Sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ | – Sản xuất phân bón như:
+ Phân đạm ni tơ nguyên chất hoặc hỗn hợp, phân lân hoặc phân kali, + Phân urê, phân lân thô tự nhiên và muối kali thô tự nhiên. – Sản xuất sản phẩm có chứa ni tơ như: + Axit nitơric và sunphua nitơric, amoni, amoni clorua, amoni cacbonat, kali nitơrat. Nhóm này cũng gồm: – Sản xuất đất có than bùn làm thành phần chính; – Sản xuất đất là hỗn hợp của đất tự nhiên, cát, cao lanh và khoáng; – Sản xuất than tổ ong; – Sản xuất than trấu, than thiêu kết. Loại trừ: – Khai thác phân chim được phân vào nhóm 08910 (Khai thác khoáng hóa chất và khoáng phân bón); – Sản xuất sản phẩm hoá học nông nghiệp; như thuốc trừ sâu được phân vào nhóm 20210. (Sản xuất thuốc trừ sâu và sản phẩm hoá chất khác dùng trong nông nghiệp); – Sản xuất phân trộn được phân vào nhóm 38210 (Xử lý và tiêu hủy rác thải không độc hại). |
Mã ngành 2013: Sản xuất plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh | Nhóm này gồm: Sản xuất nhựa thông, nguyên liệu nhựa và chất đàn hồi nhựa dẻo không lưu hóa nhiệt, chất hỗn hợp và nhựa thông pha trộn theo phương pháp thông thường cũng như sản xuất nhựa thông tổng hợp không theo định dạng. Loại trừ:– Sản xuất tơ và sợi nhân tạo và tổng hợp được phân vào nhóm 20300 (Sản xuất sợi nhân tạo); – Nghiền các sản phẩm plastic được phân vào nhóm 3830 (Tái chế phế liệu) |
Sản xuất sản phẩm hoá chất khác
Mã ngành | Mô tả |
Mã ngành 2021 – 20210: Sản xuất thuốc trừ sâu và sản phẩm hoá chất khác dùng trong nông nghiệp | Nhóm này gồm: – Sản xuất thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm, thuốc diệt côn trùng gặm nhấm, thuốc diệt cỏ;– Sản xuất các sản phẩm chống mọc mầm, máy điều chỉnh tốc độ phát triển của cây; – Sản xuất chất tẩy uế (cho nông nghiệp và cho các mục đích sử dụng khác); – Sản xuất các sản phẩm hoá nông khác chưa phân vào đâu. Loại trừ: – Sản xuất phân bón; hợp chất ni tơ được phân vào nhóm 20120 (Sản xuất phân bón và hợp chất nitơ). |
Mã ngành 2022: Sản xuất sơn, vec ni và các chất sơn, quét tương tự; sản xuất mực in và ma tít | Loại trừ:
– Sản xuất chất màu; thuốc nhuộm được phân vào nhóm 20112 (Sản xuất thuốc nhuộm và chất màu); – Sản xuất mực viết; mực vẽ được phân vào nhóm 20290 (Sản xuất sản phẩm hoá chất khác chưa được phân vào đâu). |
Mã ngành 2023: Sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh | Loại trừ:
– Sản xuất hợp chất hoá học phân tách được phân vào nhóm 20113 (Sản xuất hoá chất vô cơ cơ bản khác); – Sản xuất glyxerin; các sản phẩm tổng hợp từ dầu mỏ được phân vào nhóm 20114 (Sản xuất hoá chất hữu cơ cơ bản khác); – Chiết xuất và tinh luyện từ dầu thiên nhiên được phân vào nhóm 20290. (Sản xuất sản phẩm hoá chất khác chưa được phân vào đâu). |
Mã ngành 2029-20290:Sản xuất sản phẩm hoá chất khác chưa được phân vào đâu | Nhóm này gồm: – Sản xuất các loại bột thuốc nổ;– Sản xuất các sản phẩm pháo hoa, chất nổ, bao gồm ngòi nổ, pháo sáng… – Sản xuất giêlatin và dẫn xuất giêlatin, keo hồ và các chất đã được pha chế, bao gồm keo cao su; – Sản xuất chiết xuất của các sản phẩm hương liệu tự nhiên; – Sản xuất chất giống nhựa; – Sản xuất nước hương liệu nguyên chất chưng cất; – Sản xuất sản phẩm hỗn hợp có mùi thơm dùng cho sản xuất nước hoa hoặc thực phẩm; – Sản xuất phim, giấy ảnh, các vật liệu nhạy với ánh sáng khác; – Sản xuất hoá chất dùng để làm ảnh; – Sản xuất các sản phẩm hoá chất khác như: + Pep ton, dẫn xuất của pep ton, các chất protein khác và dẫn xuất của chúng, + Dầu mỡ, + Dầu hoặc mỡ được pha chế bằng quá trình hoá học, + Nguyên liệu sử dụng trong hoàn thiện sản phẩm dệt và da, + Bột và bột nhão sử dụng trong hàn, + Sản xuất chất để tẩy kim loại, + Sản xuất chất phụ gia cho xi măng |
Các câu hỏi thường gặp
Doanh nghiệp ghi sai địa chỉ của Công ty trong giấy có cách nào để điều chỉnh không?
Trả lời: Tại khoản 4 Điều 10 Nghị định 113/2017 có quy định thủ tục cấp lại giấy chứng nhận. Trường hợp của Quý công ty hiện tại là có sai sót trong quá trình cấp giấy Chứng nhận. Vì vậy, Doanh nghiệp lập 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép. Doanh nghiệp có thể thông qua đường bưu điện. Hoặc gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Trường hợp cấp lại của quý doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của sở Công thương.
Trường hợp nào thì bị thu hồi giấy phép sản xuất hóa chất?
Tổ chức, cá nhân chỉ được sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện. Các doanh nghiệp có trách nhiệm duy trì đủ điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 9 Nghị định 113/2017 trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tổ chức, cá nhân chỉ được sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép. Có trách nhiệm duy trì đủ điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 15 Nghị định 113/2017 trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trường hợp tổ chức, cá nhân không còn đáp ứng đủ điều kiện sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận. Được quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật hóa chất.
Dịch vụ xin giấy phép sản xuất hóa chất của Pham Do Law
Khách hàng cần cung cấp
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã. Hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
- Bản sao Quyết định phê duyệt hoặc văn bản xác nhận các tài liệu liên quan đến bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Quyết định được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành;
- Bản vẽ tổng thể hệ thống mặt bằng nhà xưởng, kho chứa. Nội dung bản vẽ phải đảm bảo các thông tin về vị trí nhà xưởng, kho tàng, khu vực chứa hóa chất, diện tích và đường vào nhà xưởng, khu vực sản xuất và kho hóa chất;
- Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đối với thửa đất xây dựng nhà xưởng, kho chứa. Hoặc Hợp đồng thuê nhà xưởng, kho chứa.
- Bản sao bằng đại học trở lên chuyên ngành hóa chất của Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật. Hoặc của cán bộ kỹ thuật phụ trách hoạt động sản xuất hóa chất của cơ sở sản xuất.
Phạm vi công việc của Pham Do Law
- Tư vấn hoàn thiện bộ hồ sơ và sơ thẩm điều kiện cấp phép của Công ty;
- Soạn thảo và nộp văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hóa chất sản xuất;
- Soạn thảo và nôp hồ sơ huấn luyện an toàn hóa chất;
- Xin Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
- Soạn thảo và nộp kê khai thiết bị kỹ thuật, trang bị phòng hộ lao động và an toàn của cơ sở sản xuất hóa chất
- Lập Phiếu an toàn hóa chất của các hóa chất nguy hiểm trong cơ sở sản xuất theo quy định;
- Làm việc với cơ quan có thẩm quyền về hồ sơ xin cấp phép;
- Nhận kết quả và bàn giao cho khách hàng;
- Hướng dẫn khách hàng các thủ tục cần tuân thủ sau khi được cấp giấy phép.
>> Xem thêm: Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh hóa chất
Trên đây là toàn bộ ý kiến tư vấn của Pham Do Law về Thủ tục xin cấp giấy phép sản xuất hóa chất. Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực vào thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.