Thủ tục xin giấy phép họp báo
Tổ chức họp báo là một hoạt động truyền thông, quảng bá quan trọng được hầu hết các công ty lớn, có uy tín chọn để marketing, PR sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu của mình. Ngoài ra, việc tổ chức họp báo còn giúp đưa thông tin về Công ty ra thị trường tạo điều kiện và cơ hội để họ có thể mời gọi vốn đầu tư, hợp tác. Để có thể được tổ chức họp báo thì cần phải xin giấy phép tổ chức họp báo hay còn gọi là giấy phép họp báo.
Nội dung
- 1 Cơ sở pháp lý
- 2 Họp báo là gì? Có những loại họp báo nào?
- 3 Đối tượng được phép tổ chức họp báo
- 4 Tại sao phải xin giấy phép họp báo?
- 5 Điều kiện để xin giấy phép tổ chức họp báo
- 6 Thủ tục xin giấy phép họp báo
- 7 Hồ sơ xin giấy phép tổ chức họp báo
- 8 Thời điểm nộp hồ sơ
- 9 Nộp hồ sơ xin tổ chức họp báo ở đâu?
- 10 Cách thức nộp hồ sơ
- 11 Thời gian
- 12 Phí, lệ phí nhà nước
- 13 Các trường hợp bị đình chỉ tổ chức họp báo
- 14 Các hành vi vi phạm liên quan đến họp báo cần tránh
- 15 Dịch vụ xin cấp giấy phép tổ chức họp báo của Pham Do Law
Cơ sở pháp lý
- Luật Báo chí;
- Thông tư 04/2014/TT-BTTTT;
- Nghị định 159/2013/NĐ-CP.
Họp báo là gì? Có những loại họp báo nào?
Họp báo tiếng anh là Press Conference, là sự kiện có sự tham gia của các cơ quan báo chí, có người chủ trì và có khách mời liên quan nhằm công bố thông tin, trao đổi, đối thoại giúp tổ chức, doanh nghiệp kết nối với cộng đồng.
Theo quy định của Luật báo chí thì có 2 loại họp báo là tổ chức họp báo trong nước và tổ chức họp báo nước ngoài.
- Họp báo trong nước là sự kiện do tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam tổ chức, người tham dự cũng có quốc tịch Việt Nam.
- Họp báo nước ngoài là sự kiện do cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, đoàn khách nước ngoài thăm Việt Nam theo lời mời của các cơ quan Bộ, ngành địa phương hoặc cơ quan nhà nước khác của Việt Nam có nhu cầu tổ chức họp báo.
Đối tượng được phép tổ chức họp báo
- Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có quyền tổ chức họp báo để công bố, tuyên bố, giải thích, trả lời các nội dung có liên quan tới nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó;
- Cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam;
- Người phát ngôn hoặc người chịu trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước; các cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương và cấp tỉnh; các bộ, cơ quan ngang bộ; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm họp báo định kỳ và đột xuất để cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí.
- Cơ quan, tổ chức không thuộc cơ quan nhà nước và công dân có quyền tổ chức họp báo để cung cấp thông tin cho báo chí.
Tại sao phải xin giấy phép họp báo?
Thứ nhất, nếu không có giấy phép tổ chức họp báo thì bạn sẽ không thể được các công ty tổ chức sự kiện, các sân khấu ký kết hợp đồng tổ chức họp báo.
Thứ hai, nếu không có giấy phép họp báo thì sẽ không được tổ chức họp báo.
Thứ ba, trường hợp không có giấy phép họp báo mà vẫn tiến hành họp báo thì sẽ bị phạt tiền từ từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Thứ tư, việc tổ chức họp báo không đúng quy định pháp luật sẽ khiến tổ chức, doanh nghiệp mất đi thương hiệu, hình ảnh và độ tin cậy của thông tin. Đồng thời, các nhà báo có thể sẽ không đăng bài viết công bố nội dung họp báo này.
Điều kiện để xin giấy phép tổ chức họp báo
Thứ nhất: Phải có nội dung họp báo;
Thứ hai: Nội dung họp báo không vi pham các điều cấm của Luật Báo chí 2016;
Thứ ba: Phải có người chủ trì họp báo;
Thứ tư: Phải có địa điểm và thời gian họp báo rõ ràng;
Thứ năm: Phải có danh sách khách mời, người tham dự;
Thứ sáu: Đối với những sản phẩm, dịch vụ có điều kiện thì phải có giấy phép của các sản phẩm đó hoặc giấy phép hoạt động dịch vụ (Ví dụ: Công ty du lịch công bố giới thiệu dịch vụ tour du lịch thì phải có giấy phép hoạt động lữ hành. Hoặc công ty mỹ phẩm họp báo công bố mỹ phẩm mới thì phải có giấy công bố sản phẩm).
Thủ tục xin giấy phép họp báo
Hồ sơ xin giấy phép tổ chức họp báo
- Đơn đề nghị (theo mẫu số 02/BTTTT ban hành kèm theo Thông tư 04/2014/TT-BTTTT);
- Bản sao có chứng thực CMND/ hộ chiếu/CCCD đối với người tổ chức họp báo là cá nhân; Bản sao Giấy chứng nhận thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với người tổ chức là doanh nghiệp;
- Danh sách người tham dự;
- Danh sách các cơ quan báo chí được mời tham gia;
- Các tài liệu có liên quan đến nội dung họp báo (Ví dụ: Họp báo công bố dược phẩm phải có giấy phép công bố dược; Họp báo công bố phim phải có giấy phép phát hành phim…)
Thời điểm nộp hồ sơ
- Phải thông báo bằng văn bản trước ít nhất 24 giờ tính đến thời Điểm dự định họp báo cho cơ quan có thẩm quyền;
- Trường hợp đối tượng tổ chức họp báo là cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài thì phải nộp thông báo trước ít nhất 2 ngày làm việc.
Nộp hồ sơ xin tổ chức họp báo ở đâu?
- Cơ quan, tổ chức trực thuộc trung ương thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông cụ thể là Cục Báo chí;
- Cơ quan, tổ chức không thuộc trung ương và công dân thông báo cho Sở Thông tin và Truyền thông;
- Cơ quan đại diện nước ngoài: Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Ngoại giao;
- Tổ chức nước ngoài: Bộ Thông tin và Truyền thông;
Cách thức nộp hồ sơ
- Nội hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền;
- Nộp hồ sơ thông qua hệ thông bưu chính.
Thời gian
Việc họp báo chỉ được tổ chức khi cơ quan có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản trong thời hạn chậm nhất là sáu (6) tiếng đồng hồ trước khi họp báo
Phí, lệ phí nhà nước
Không có phí, lệ phí nhà nước đối với thủ tục này.
Các trường hợp bị đình chỉ tổ chức họp báo
Cơ quan có thẩm quyền có quyền đình chỉ cuộc họp báo nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc nội dung họp báo có thông tin sau (Khoản 1,2,3,4,5,6,7,8,9 Điều 9, Luật báo chí):
– Đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nội dung:
+ Xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân;
+ Bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân;
+ Gây chiến tranh tâm lý.
– Đăng, phát thông tin có nội dung:
+ Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa Nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội;
+ Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;
+ Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.
+ Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.
+ Đăng, phát thông tin có nội dung kích động chiến tranh nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
– Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc.
– Tiết lộ thông tin thuộc danh Mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.
– Thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng.
– Kích động bạo lực; tuyên truyền lối sống đồi trụy; miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
– Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án.
– Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em.
Các hành vi vi phạm liên quan đến họp báo cần tránh
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 119/2020/NĐ-CP, khi tổ chức họp báo, đơn vị tổ chức nên tránh các vi phạm sau:
Điều 11. Vi phạm quy định về họp báo
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi họp báo nhưng không thông báo trước bằng văn bản hoặc thông báo không đúng thời gian quy định.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi họp báo có nội dung không đúng với nội dung đã được cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trả lời chấp thuận hoặc không đúng với nội dung đã thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi họp báo khi đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi họp báo có nội dung xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
5. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi họp báo có nội dung kích động bạo lực.
6. Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi họp báo có nội dung gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
7. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này.
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với hành vi quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này.
Xem thêm: Thủ tục xin cấp giấy phép tổ chức hội thảo quốc tế | PHAM DO LAW
Dịch vụ xin cấp giấy phép tổ chức họp báo của Pham Do Law
Khách hàng cần cung cấp
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận thành lập (bản sao có chứng thực);
- CMND/CCCD/Hộ chiếu của người chủ trì (bản sao có chứng thực);
- Các giấy phép liên quan đến nội dung họp báo;
- Các thông tin về họp báo: nội dung, danh sách khách mời, địa điểm, thời gian tổ chức họp báo.
Phạm vi công việc
- Tiến hành thẩm định điều kiện tổ chức họp báo;
- Soạn hồ sơ xin giấy phép họp báo;
- Nộp hồ sơ và nhận kết quả;
- Bàn giao bộ hồ sơ gốc và kết quả cho khách hàng;
- Đảm bảo thời gian để họp báo diễn ra thuận lợi.
Trên đây là toàn bộ ý kiến tư vấn của Pham Do Law về giấy phép tổ chức họp báo (giấy phép họp báo). Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực vào thời điểm hiện tại. Khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.