Thủ tục ngừng kinh doanh hộ cá thể
Trong kinh doanh khó tránh khỏi những lúc gặp khó khăn không thể tiếp tục duy trì hoạt động. Đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid đã diễn biến phức tạp. Hộ kinh doanh cũng không ngoại lệ, đứng trước khó khăn đó, chủ hộ kinh doanh buộc phải tìm biện pháp khắc phục hoặc lưu ý đến thủ tục ngừng kinh doanh hộ cá thể. Nhưng sẽ ngừng kinh doanh trong bao lâu, hậu quả pháp lý của việc ngừng kinh doanh như thế nào?
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 91 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì nếu hộ kinh doanh có nhu cầu tạm ngừng kinh doanh từ 30 ngày trở lên, phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký kinh doanh và Cơ quan quản lý thuế.
Nội dung
Thủ tục ngừng kinh doanh hộ cá thể tại cơ quan đăng ký kinh doanh
It nhất 03 ngày làm việc trước khi tạm ngừng kinh doanh, hộ kinh doanh phải gửi hồ sơ thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh
Thành phần hồ sơ gồm:
– Thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh (Mẫu phụ lục Phụ lục III-4 Thông tư 01/2021/TT-BKHDT);
– Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Nộp hồ sơ xin tạm ngừng kinh doanh hộ cá thể ở đâu?
Cơ quan có thểm quyền xử lý hồ sơ là Phòng kinh tế thuộc UBND cấp huyện mà nơi nộp cụ thể là bộ phận 1 cửa của UBND cấp huyện.
Thời gian xử lý:
Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, bộ phận tiếp nhận hồ sơ sẽ trao Giấy biên nhận hẹn giải quyết sau 3 ngày làm việc. Hết thời hạn này, hộ kinh doanh sẽ nhận được thông báo chấp thuận tạm ngưng hoạt động
Thủ tục ngừng hoạt động tại cơ quan quản lý thuế
Trong khoảng thời gian 15 (mười lăm) ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh, hộ kinh doanh phải gửi Thông báo tạm ngừng kinh doanh và đề nghị miễn giảm thuế mẫu 01/MGTH ban hành kèm theo Thông tư 156/2013/TT-BTC cho chi cục thuế nơi hộ kinh doanh được thành lập.
Cơ quan thuế căn cứ vào thời gian tạm ngừng, nghỉ kinh doanh của Hộ nộp thuế khoán để xác định số tiền thuế được miễn, giảm và ban hành Quyết định miễn, giảm thuế mẫu số 03/MGTH hoặc Thông báo không được miễn, giảm thuế mẫu số 04/MGTH ban hành kèm theo Thông tư này. Số thuế Hộ nộp thuế khoán được miễn, giảm do tạm ngừng, nghỉ kinh doanh được xác định như sau:
Trường hợp Hộ nộp thuế khoán nghỉ liên tục từ trọn 01 (một) tháng (từ ngày mùng 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng đó) trở lên được giảm 1/3 số thuế GTGT và thuế TNCN phải nộp của quý; tương tự nếu nghỉ liên tục trọn 02 (hai) tháng trở lên được giảm 2/3 số thuế GTGT và thuế TNCN phải nộp của quý, nếu nghỉ trọn quý được giảm toàn bộ số thuế GTGT và thuế TNCN phải nộp của quý.
Trường hợp Hộ nộp thuế khoán tạm ngừng, nghỉ kinh doanh không trọn tháng thì không được giảm thuế khoán phải nộp của tháng.
Trường hợp trong thời gian nghỉ kinh doanh, Hộ nộp thuế khoán vẫn kinh doanh thì phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN theo thông báo của cơ quan thuế.
Ví dụ 34: Ông A là cá nhân kinh doanh có số thuế khoán phải nộp năm 2014 là 12,6 triệu đồng (trong đó thuế GTGT là 7,8 triệu, thuế TNCN là 4,8 triệu). Trong năm 2014, Ông A có nghỉ kinh doanh liên tục từ ngày 20 tháng 02 đến hết ngày 20 tháng 6, trước khi nghỉ, Ông A có gửi đến Chi cục thuế quản lý trực tiếp Thông báo tạm ngừng, nghỉ kinh doanh trong thời hạn quy định.
Nghĩa vụ thuế của Ông A trong thời gian nghỉ kinh doanh được xác định như sau:
– Số tháng nghỉ kinh doanh liên tục của Ông A là tháng 3, tháng 4 và tháng 5;
– Số thuế giá trị gia tăng hàng tháng là 650.000 đồng (7,8 triệu đồng/12 tháng);
– Số thuế TNCN hàng tháng là 400.000 đồng (4,8 triệu đồng/12 tháng).
Do đó:
– Trong quý I: Ông A nghỉ kinh doanh liên tục 1 tháng (tháng 3) nên Ông A không phải nộp thuế GTGT của tháng 3 là 650.000 đồng và được giảm thuế thu nhập cá nhân của tháng 3 tương ứng với 400.000 đồng
– Trong quý II: Ông A nghỉ kinh doanh liên tục 2 tháng nên Ông A không phải nộp thuế GTGT của tháng 4 và tháng 5 là 1,3 triệu đồng và được giảm số thuế thu nhập cá nhân của tháng 4 và tháng 5 tương ứng với 800.000 đồng.
Xử lý vi phạm liên quan đến việc không thông báo tạm ngừng kinh doanh đối với hộ cá thể
Theo quy định tại Điều 42 Nghị định 50/2016/NĐ-CP:
– Hành vi tạm ngừng kinh doanh mà không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đã đăng ký: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng
– Không tiến hành hoạt động kinh doanh trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; Ngừng hoạt động kinh doanh quá 06 tháng liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Thêm vào đó, hộ kinh doanh còn có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Trên đây là toàn bộ ý kiến tư vấn pháp lý của Luật Phạm Đỗ liên quan đến thủ tục ngừng kinh doanh hộ cá thể. Để được miễn giảm thuế, tránh bị xử lý vi phạm liên quan đến tạm ngừng kinh doanh thì hộ kinh doanh cần tuân thủ chặt chẽ các quy định trên.
Bài viết liên quan:
Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp – Trở ngại và ưu đãi
Thay đổi người đứng tên hộ kinh doanh cá thể – Thủ tục mới nhất 2021
Đăng ký hộ kinh doanh cá thể – Thủ tục mới nhất 2021
Hộ kinh doanh là gì? Các quy định pháp luật mới nhất về hộ kinh doanh